Xây dựng ĐLHQ mẫu hoạt động hiệu quả để từ đó nhân rộng các ĐLHQ là một trong những giải pháp đang được ngành Hải quan triển khai khiến mô hình này có tác dụng thực sự thúc đẩy hoạt động XNK. Hiện nay ngành Hải quan đang xây dựng một số ĐLHQ mẫu tại các Cục Hải quan trọng điểm như Hải Phòng, TP HCM... Theo đánh giá của Cục Hải quan Hải Phòng, sau một thời gian triển khai, các ĐLHQ mẫu đã khẳng định là một mô hình có tính thực tiễn cao, được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. ĐLHQ là cánh tay nối dài của cơ quan Hải quan, đại diện pháp lý của DN trong hoạt động XNK. Việc phát triển, mở rộng hoạt động ĐLHQ là việc rất cần thiết trong chương trình cải cách, hiện đại hoá hải quan, góp phần mở rộng và tạo một nghề mới cho xã hội trong chuỗi dịch vụ hoạt động XNK. ĐLHQ sẽ là tổ chức hỗ trợ tích cực cho cơ quan Hải quan trong việc giám sát quản lý DN, xử lý kịp thời mọi vướng mắc, ngăn chặn gian lận thương mại, làm chuẩn mực, lành mạnh hoá hoạt động XNK.
Về phía các ĐLHQ mẫu, họ đã tích cực cử nhân viên học về nghiệp vụ khai hải quan, tạo đội ngũ nhân viên ĐLHQ đáp ứng về trình độ. Các ĐLHQ cũng đã chủ động đầu tư trang bị các phần mềm khai hải quan điện tử đối với các loại hình, trang bị hệ thống máy tính kết nối với cơ quan Hải quan, đẩy mạnh việc ký hợp đồng đại lý với các DN XNK.
Đối với cơ quan Hải quan, sau khi lựa chọn 3 ĐLHQ để xây dựng ĐLHQ mẫu, Hải quan Hải Phòng đã tích cực hỗ trợ hoạt động của ĐLHQ nói chung, đặc biệt là ĐLHQ mẫu. Khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng do ĐLHQ thực hiện, cơ quan Hải quan dành riêng một cửa để tiếp nhận hồ sơ. Đối với hồ sơ do ĐLHQ khai báo hải quan điện tử thì ưu tiên đăng ký trước qua mạng. Tại các Chi cục thành lập một Tổ để giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động ĐLHQ. Hải quan Hải Phòng còn  đề nghị ĐLHQ mẫu đăng ký hộp thư điện tử để cơ quan Hải quan cung cấp văn bản, thông tin liên quan. Hải quan Hải Phòng cũng đã khảo sát thực tế và hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phần mềm đối với 3 ĐLHQ mẫu đã được lựa chọn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc. Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan thì người được ký tên trên tờ khai hải quan là giám đốc, phó giám đốc hoặc người được giám đốc đại lý uỷ quyền như giám đốc, phó giám đốc Chi nhánh, trưởng, phó phòng... với điều kiện: Là công dân Việt Nam; Có bằng từ trung cấp trở lên thuộc các ngành kinh tế, luật; Có chứng chỉ về nghiệp vụ khai hải quan). Trên thực tế, giám đốc, phó giám đốc Chi nhánh, trưởng, phó phòng... là những người đã có trình độ và kinh nghiệm nên các ĐLHQ đề nghị không cần thiết phải đáp ứng điều kiện trên.
Điểm nữa, theo quy định nhân viên của đại lý chưa được cấp thẻ cũng được làm thủ tục hải quan với điều kiện các nhân viên này đã học qua các lớp đào tạo về nghiệp vụ khai hải quan. Như vậy, điều kiện này đối với ĐLHQ còn chặt chẽ hơn đối với các DN khác vì trên thực tế nhân viên của các DN khác khi làm dịch vụ thủ tục hải quan chỉ cần có giấy giới thiệu của cơ quan là được phép làm thủ tục hải quan (không cần học qua các lớp đào tạo về nghiệp vụ khai hải quan).
Một vấn đề khác là việc làm thủ tục cho hàng gia công, các ĐLHQ chỉ chịu trách nhiệm khai báo mở tờ khai hải quan cho tới khi thông quan hàng mà không thường xuyên theo dõi số liệu xuất, nhập của mỗi hợp đồng theo đặc thù của loại hình này. Do vậy khi nảy sinh vướng mắc thì phía ĐLHQ không chủ động trong việc giải quyết hoặc thông báo tới DN không kịp thời để phối hợp cùng cơ quan Hải quan giải quyết. Cũng về hàng gia công, các DN truyền số liệu khai báo qua đại lý và lưu tại đại lý. Do đó, khi thanh khoản hợp đồng gia công, sản xuất XK, các biểu mẫu thanh khoản của DN thường không khớp với số liệu đã khai báo và lưu tại hệ thống mạng hải quan, dẫn đến việc DN phải điều chỉnh số liệu nhiều lần, công tác thanh khoản kéo dài.
 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp