Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 24/12/2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản. Trong đó quy định chỉ có doanh nghiệp mới được phép xuất khẩu khoáng sản.
Khoáng sản xuất khẩu bao gồm: khoáng sản kim loại, khoáng sản phi kim loại, khoáng sản làm khoáng chất công nghiệp. Than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, condensate, băng cháy, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, hợp kim, kim loại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Việc xuất khẩu khoáng sản theo phương thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc nhận gia công chế biến cho thương nhân nước ngoài để xuất khẩu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ. Khi ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP thì việc xuất khẩu khoáng sản nói ở Khoản này sẽ thực hiện theo Nghị định mới.
* Điều kiện xuất khẩu khoáng sản
- Chỉ có doanh nghiệp mới được phép xuất khẩu khoáng sản. Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài.
- Khoáng sản được phép xuất khẩu khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
Một là, đã qua chế biến và có tên trong Danh mục tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;
Hai là, đạt tiêu chuẩn chất lượng không thấp hơn quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
Ba là, có nguồn gốc hợp pháp, cụ thể là: Được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ có Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực; hoặc được nhập khẩu hợp pháp; hoặc do cơ quan nhà nước nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại.
Khoáng sản nhập khẩu (để tái xuất hoặc để chế biến phục vụ xuất khẩu) được coi là hợp pháp khi có Tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu (bản sao có chứng thực theo quy định). Đối với khoáng sản tịch thu, phát mại, phải có các chứng từ sau: Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, Phiếu xuất kho, Biên bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá (bản sao có chứng thực theo quy định).
* Thủ tục xuất khẩu khoáng sản
Doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, ngoài việc thực hiện các quy định của Hải quan còn phải xuất trình các loại giấy tờ sau: Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô hàng xuất khẩu, do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp;
Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản xuất khẩu: được quy định cụ thể tại Thông tư.
Khi làm thủ tục thông quan, nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Thông tư này thì có quyền vẫn cho thông quan, đồng thời tiến hành lập Biên bản và lấy mẫu khoáng sản để kiểm tra lại. Việc kiểm tra do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS thực hiện. Nếu kết quả kiểm tra khẳng định sự nghi vấn thì doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu phạt theo quy định hiện hành và chịu chi phí thử nghiệm. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì chi phí thử nghiệm do Hải quan cửa khẩu chịu.
Thông tư cũng quy định cụ thể danh mục , tiêu chuẩn, chất lượng khoáng sản xuất khẩu gồm: Sản phẩm chế biến từ quặng Titan (Bột zircon, Ilmenite hoàn nguyên, Xỉ titan loại 1, Xỉ titan loại 2, Tinh quặng Rutil, Rutil nhân tạo/rutile tổng hợp, Tinh quặng Monazit ); Sản phẩm chế biến từ quặng Bôxít (Alumin, Hydroxit nhôm - Al(OH)3); Tinh quặng đồng (Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo); Tinh quặng Vonfram (Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo); Tinh quặng Bismut; Tinh quặng Niken (Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc); Bột ôxit đất hiếm riêng rẽ; Tinh quặng Fluorit.
Bộ Công Thương có quyền yêu cầu dừng việc xuất khẩu khoáng sản đối với doanh nghiệp xuất khẩu bị phát hiện vi phạm các quy định của Thông tư này.