Ngày 6.8, phát biểu tại hội thảo “Đại biểu dân cử phía nam với chính sách, pháp luật Y tế, tại TP.HCM”, ông Trương Quốc Cường, cục trưởng cục quản lý dược, bộ Y tế đã phải xác định rằng từ trước đến nay, việc đấu thầu thuốc thực hiện theo nghị định về đấu thầu trong ngành xây dựng, chưa có một nghị định riêng quy định về đấu thầu thuốc, hồ sơ mời hầu mỗi địa phương, mỗi bệnh viện khác nhau. Vì vậy, giá kế hoạch không sát với giá thực tế.
Lệ thuộc nước ngoài
Theo thống kê của cục Quản lý dược, ngành công nghiệp dược đã phát triển hơn trước (trước khi vào WTO chỉ có 100 nhà máy, nay đã tăng lên 180 nhà máy), thị trường dược Việt Nam có trên 22.000 mặt hàng thuốc đã được cấp số lưu hành. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm nên giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam chưa thể kiểm soát được cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc nước ngoài nên đã xảy ra tình trạng giảm thị phần của các cơ sở sản xuất kinh doanh dược trong nước trên thị trường dược, đó cũng là yếu tố làm tăng giá thuốc nhập ngoại.
Bộ Y tế cũng nhận định, giá của một số thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược, thuốc chuyên dụng tăng cao, có loại lên đến 150 - 300% so với giá gốc, giá một số loại thuốc ở nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá ngoài thị trường, giá một số loại thuốc đấu thầu đưa vào sử dụng trong một số bệnh viện cũng cao hơn giá thị trường là có thật. Ở Việt Nam, có hàng ngàn các công ty phân phối thuốc quy mô nhỏ và khi thuốc qua tay mỗi công ty thì giá lại đội lên vài phần trăm, khi thuốc đến tay người dân giá quá cao là tất yếu. Mặc dù các cơ sở bán thuốc vẫn thực hiện niêm yết công khai giá thuốc, song cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được độ tin cậy của giá thuốc niêm yết. Việc đấu thầu thuốc riêng lẻ theo từng bệnh viện, từng tỉnh, với hàng trăm hội đồng đấu thầu khác nhau, nên cùng một loại thuốc nhưng nỗi nơi áp dụng mỗi giá.
PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội, cho rằng: 1.095 loại thuốc đăng ký độc quyền tại Việt Nam đến năm 2020 bao gồm thuốc chữa bệnh tim mạch, ung thư, kháng khuẩn, thần kinh, tiểu đường… hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Trong 1.210 bằng độc quyền sáng chế thuốc đăng ký tại cục Sở hữu trí tuệ, chỉ có 13 bằng là của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 1%, còn lại 99% là bằng sáng chế của nước ngoài. Ngành công nghiệp dược còn phụ thuộc vào nước ngoài nhiều, nên người tiêu dùng Việt Nam bị yếu thế trong việc tiêu dùng thuốc.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn