Doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng tìm nguồn cung ở các nước ASEAN để tránh phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời để tận dụng lợi ích từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong năm 2014, xuất khẩu dệt may tiếp tục đà tăng trưởng ở mức 2 con số. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tháng 11 so với cùng kỳ, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 28,7 triệu m2, tăng 14,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 60 triệu m2, tăng 11,9%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 272,9 triệu cái, tăng 15%.

Tính chung 11 tháng, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 299,2 triệu m2, tăng 15,8% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 665,8 triệu m2, tăng 5,6%; sản lượng quần áo mặc thường ước đạt 2,73 tỷ cái, tăng 10,3%.

Về kim ngạch xuất khẩu, tính chung 11 tháng, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 18,2%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 19,2%.

Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu toàn ngành nhiều khả năng đạt 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm 2013 và là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua.

Xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục được duy trì trong năm tới, nhất là khi TPP được ký kết. Hiện nay, theo định hướng chung của ngành là không phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng sang các nguồn cung khác từ khối các nước ASEAN và đặc biệt là Ấn Độ.

Bên cạnh việc xúc tiến thương mại từ cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Ấn Độ, ngày càng nhiều các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực dệt nhuộm hoàn tất.

Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn: Hải quan Việt Nam