Mặc dù nhu cầu của các thị trường sụt giảm nhưng ngành dệt may vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2012, xuất khẩu dệt may và xơ sợi ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu hàng dệt may đạt 15,8 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng Vinatex, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu dệt may năm 2012 đạt 8,8 tỷ USD. Như vậy, với tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 48%, ngành dệt may Việt Nam xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường vẫn có mức tăng trưởng ổn định mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào các thị trường này đều tăng chậm, thậm chí giảm.

Cụ thể, nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%. Nhập khẩu dệt may vào Nhật Bản tăng 8% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh 19,3%. Thậm chí, tại thị trường Hàn Quốc khi nhập khẩu dệt may vào thị trường này giảm 7% thì nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%.

Thị phần của hàng dệt may tại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được duy trì, vị thế của hàng dệt may tại các thị trường trong điều kiện khó khăn tiếp tục được củng cố, giữ vững được các khách hàng, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng sang các thị trường mới.

Dự báo, năm 2013 vẫn là năm tiếp tục có bất ổn trong thị trường chung của toàn thế giới. Tổng tiêu thụ hàng dệt may toàn thế giới là 713 tỷ USD, chỉ tăng gần 2,32% so với năm 2012. Trên cơ sở dự báo này, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 18,8 - 19,2 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2012, trong đó thị trường Mỹ khoảng 8,5 tỷ USD, EU khoảng 2,4 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 2,4 tỷ, Hàn Quốc là 1,5 tỷ USD, thị trường khác đạt 4,3 tỷ USD.

Nguồn: Hải quan Việt Nam