Có ba thị trường trong điểm mà các doanh nghiệp cần quan tâm đó là Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Li băng và Thổ Nhĩ Kỳ.

-Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) ngày càng tiến dần đến vị trí như một diễn đàn khu vực về thương mại, vận tải, dịch vụ cho toàn bộ khu vực Trung Đông. Do đó, UAE là cửa ngõ giúp hàng Việt Nam xâm nhập thị trường này. Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và UAE những năm gần đây tăng mạnh.

UAE không có lợi thế về thuỷ hải sản nên nội địa chỉ cung cấp khoảng 25% nhu cầu trong nước, 75% nhu cầu còn lại phải phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu (trong đó có Việt Nam). Do được ưa chuộng ở nhiều thị trường, nhất là đã đáp ứng được qui định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, Mỹ, Nhật Bản... nên thuỷ sản Việt Nam đã được chấp nhận tại thị trường này. Đặc biệt, hai mặt hàng cá tra, basa đông lạnh rất được ưa chuộng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng năm 2008 Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này với kim ngạch 244,67 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng hải sản đạt kim ngạch cao nhất với 19,88 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2007.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam khi tiếp cận thị trường này là việc vận tải chưa có đường bay trực tiếp nên xuất khẩu hàng thuỷ sản tươi sống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hàng đông lạnh và đồ hộp (có giá trị thấp hơn) chỉ vận chuyển bằng máy bay sang UAE, nên chi phí khá cao, lợi nhuận đạt thấp.Vì vậy để tăng cường xuất khẩu thuỷ hải sản vào thị trường UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần hỗ trợ của Quỹ Xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiếp thị, tìm cách hợp đồng có trị giá từng chyến hàng cao nhằm giảm được chi phí vận tải.Ngoài thuỷ sản, thị trường này đang có nhu cầu lớn về lao động. Trung bình mỗi năm, UAE cần tới 700.000 đến 1 triệu lao động, trong đó có khoảng 400.000 lao động Việt Nam.

-Li băng: tuy dân số chỉ hơn 3,5 triệu người, nhưng mức tiêu thụ thuỷ hải sản lại khá lớn. Năm 2007, ước xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào thị trường này tăng khoảng 26% về lượng và 37% về kim ngạch. Mặt hàng cá tra đông lạnh tăng tới 118% về lượng và 121% về kim ngạch.

-Thổ Nhĩ Kỳ: Hiện nay, Việt Nam đang xuất siêu 258 triệu USD/năm và Thổ Nhĩ Kỳ là 1 trong 3 nước Trung Đông tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, khoảng từ 5 đến 7 triệu USD/năm. Đặc biệt là mặt hàng cơm dừa và hoa quả nhiệt đới thì rất ăn khách tại thị trường này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt nam, 8 tháng năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đạt 258,17 triệu USD, tăng 90,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mặt hàng dệt may đạt kim ngạch cao nhất với 39,35 triệu USD tăng 56,7% so với cùng kỳ năm 2007.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ không thích mở L/C mà thích thanh toán trả chậm (D/P) nên nhiều thương vụ giữa doanh nghiệp hai nước tuy đã chuẩn bị xong hết nhưng vẫn không thực hiện được vì vướng mắc ở khâu này. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nếu có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này nên liên lạc thường xuyên với Tham tán thương mại khu vực này và có thể nhờ thương vụ thẩm tra tư cách pháp nhân của đối tác.

Ngoài ra, còn có một số thị trường khác như: Ixraen, Iran, Qata.... đều có tốc độ tăng trưởng khá về số lượng và kim ngạch xuất khẩu, trong đó mặt hàng nông, lâm, thuỷ, hải sản... luôn chiếm vai trò quan trọng.

Nguồn: Vinanet