Một số doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM cho biết, đơn hàng đã tăng 15% - 20% so với đầu năm. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất ít nhất đến tháng 10.2009.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Mỹ, thị phần hàng dệt may của Việt Nam trong quý I/2009 chiếm 4,74% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ (tăng 3,4% so với quý 1/2008). Thị trường Mỹ đang tiếp tục đặt hàng dệt may từ Việt Nam.
Tuy nhiên một áp lực cạnh tranh mới với hàng dệt may Việt Nam vừa xuất hiện, đó là hàng dệt may Philippines được miễn thuế nhập khẩu vào Mỹ nếu sợi vải của sản phẩm đó có xuất xứ từ Mỹ hoặc Philippines. Như vậy hàng dệt may Việt Nam sẽ có giá cao hơn so với hàng của Philippines tại Mỹ.
So với Mỹ, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang EU vẫn đang thuận lợi. Kim ngạch sau nhiều kỳ (mỗi kỳ 15 ngày) duy trì mức khá trên 50 triệu USD, kim ngạch trong kỳ (15 ngày đầu tháng 7.2009) là 83,5 triệu USD, tăng 61% so với kỳ liền trước. Tuy nhiên, thị phần hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào EU đang ở mức thấp.
Thống kê gần đây của EU (Eurostat), thị phần hàng dệt may Việt Nam quý I/2009 chỉ chiếm 2,06%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (44,1%), Thổ Nhĩ Kỳ (11,65%); Bangladesh (8,56%) và Ấn Độ (8,49%).
Đáng chú ý nếu trước đây, người dân nhiều nước EU thường chỉ mua hàng tiêu dùng thời trang vào hai vụ chính là đông, hè, thì nay họ đang dần chuyển sang mua nhiều lần hơn trong năm.
Bởi vậy, các nhà nhập khẩu dần có xu hướng chuyển sang đặt hàng từ những nhà xuất khẩu qui mô nhỏ và vừa, thay cho những đơn đặt hàng rất lớn từ Trung Quốc với giá rất rẻ.
Đây là điểm có lợi cho các doanh nghiệp may mặc Việt Nam. Theo xu hướng trên, nhóm hàng dệt may, giày dép phục vụ thể thao (quần áo, tất, ru băng, giày dép, nón mũ...) với kiểu dáng linh hoạt, chất liệu mát sẽ có triển vọng thâm nhập tốt hơn vào thị trường EU.
Thị trường mới và cơ hội mới
Sudan chiếm tới 55% tổng kim ngạch dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi. Nước này nhập khẩu duy nhất sản phẩm màn tuyn có tẩm thuốc chống muỗi. Lượng tiêu thụ đã tăng mạnh trong kỳ với 1,5 triệu chiếc. Loại hàng này cũng được tiêu thụ mạnh tại Angola với 425.000 chiếc, giá 2,12 USD/chiếc.
Ở thị trường khác là Trung Đông, trong kỳ cuối tháng 6.2009 (15.6 - 3.7.2009), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 26,22 triệu USD, tăng 35% so với kỳ cuối tháng 6.2009.
Theo tính toán ban đầu, mặt hàng có kim ngạch tăng khá mạnh là dệt may tăng 2 lần, đạt 6,3 triệu USD. Hiện Trung Đông tiêu thụ nhiều nhất là các loại quần áo cotton của Việt Nam. Các sản phẩm may mặc ở tầm trung vẫn có nhu cầu lớn ở thị trường này.

Nguồn: Vinanet