Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong quí I/2014, tỉnh Đồng Nai đã nhập khẩu hàng hóa trên 2,6 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2013. Đa số các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, vì các đơn hàng của các doanh nghiệp đã được ký kết với đối tác và phải bàn giao theo đúng hợp đồng..

Trong hơn 2,6 tỷ USD, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu hơn 2,3 tỷ USD, doanh nghiệp Nhà nước gần 48 triệu USD và doanh nghiệp tư nhân là 145 triệu USD.

Đồng Nai là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng trong GDP hàng năm chiếm trên 57% và đến nay đã thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp phụ trợ chuyên ngành còn thiếu và phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị, các nguyên liệu cho lắp ráp, chi phí cao, giá trị gia tăng thấp, do đó, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã nhập một số lượng lớn các sản phẩm từ nước ngoài về.

Có thể thấy, trong thời gian qua, ngành công nghiệp Đồng Nai chỉ mới phát triển theo chiều rộng, với hầu hết các ngành chủ lực như dệt may, giày dép, cơ khí ô tô, xe máy, điện tử..., sản xuất còn mang nặng gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu, linh kiện chủ yếu nhập khẩu, nên giá trị gia tăng thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao...

Đồng Nai hiện có 3 ngành công nghiệp có khả năng thúc đẩy và kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển đó là cơ khí, điện - điện tử và dệt may - giày dép. Thời gian qua, ba ngành sản xuất trên đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm như xe máy, ô tô, điện - điện tử...và cung cấp phụ tùng linh kiện cho các ngành công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất các chi tiết linh kiện máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu là sản xuất nút áo, đế giày, vải sợi…Thế nhưng, mức độ đầu tư còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu, việc sắp xếp các nhà máy sản xuất chưa hợp lý, chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi nên không khuyến khích được nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực này.

Do vậy, nếu để kéo dài tình trạng trên, ngành công nghiệp của Đồng Nai sẽ không chủ động được sản xuất, mà phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện, thiết bị và các nguyên liệu cho lắp ráp, từ đó không giảm được chi phí, khó cạnh tranh trên thị trường và tỷ trọng nhập siêu khó có thể giảm được.

Để giảm tình trạng nhập siêu, Đồng Nai cũng đã có những chiến lược trong việc hoạch định các chính sách thúc đẩy gia tăng sản xuất nguyên phụ liệu hỗ trợ cho công nghiệp. Đó là chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó tạo ra chuỗi giá trị mới, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã có báo cáo trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xin thành lập bốn phân khu trong các khu công nghiệp hiện có để thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghiệp phụ trợ gồm: Khu công nghiệp Giang Điền, Nhơn Trạch 6, An Phước và Long Đức. Sau khi được phê duyệt, các phân khu này sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ một cách chuyên sâu với những cơ chế ưu đãi tương ứng. Theo đó, tỉnh Đồng Nai không khuyến khích ồ ạt đầu tư công nghiệp phụ trợ một cách dàn trải mà xác định ở ba ngành mũi nhọn là cơ khí, điện - điện tử và dệt may - giày dép. Đây được xem là những ngành có thị trường, có điều kiện để phát triển công nghiệp phụ trợ vì thực tế sản xuất đang đòi hỏi rất nhiều loại linh kiện, chi tiết hỗ trợ do còn phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng đang mời gọi một số doanh nghiệp nước ngoài có số vốn lớn đầu tư vào Đồng Nai nhằm kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các linh kiện phụ trợ đi kèm, vừa cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh, vừa để xuất khẩu.

Nguồn: Chính phủ

Nguồn: Tin tham khảo