Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất  khẩu dệt may của cả nước trong năm 2007. Tuy nhiên do nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái, nên nhiều ý kiến lo ngại rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ khó duy trì kim ngạch xuất khẩu vào nước này. Trong bối cảnh như vậy, liệu các doanh nghiệp (DN) có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU)- thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam hay không? Thực tế xuất khẩu trong quý I cho thấy, việc mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU không dễ.
Theo Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu năm 2008, xuất khẩu dệt may sang EU chỉ tăng 7-8% so với cùng kỳ năm 2007. Riêng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU tháng 2  đạt 73 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 240 triệu USD, tăng 26,8% so cùng kỳ 2007.
Trong số các nước EU thì Đức là nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 19,4 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 2 tháng đạt 59,2 triệu USD, tăng 6,4% so cùng kỳ. Tiếp đến là Anh, xuất khẩu tháng 2 đạt 12 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 2 tháng đạt 44,2 triệu USD, tăng 31,4% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu sang Pháp 2 tháng đầu năm đạt 22,4 triệu USD, tăng 17,8%; sang Hà Lan 22,35 triệu USD, tăng 40%; sang Tây Ban Nha đạt 20,8 triệu USD, tăng 24,6%...Nhưng tốc độ xuất khẩu của ngành dệt may trong tháng 3/2008 đã chững lại, khi tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng này chỉ xấp xỉ mức tháng 2/2008.
Đại diện Ban Xúc tiến thương mại (Vinatex) cho biết, do chi phí sản xuất tăng cao, ngay từ đầu năm 2008, Trung quốc đã có chính sách thắt chặt các hợp đồng xuất khẩu, hạn chế nhận những đơn hàng có giá trị thấp, nên nhìêu nhà nhập khẩu EU đã chuyển hướng sang Việt Nam để tìm hiểu và đặt hàng. “Do giá nguyên vật liệu đầu vào và công lao động tăng, các DN trong nước rất khó tiếp nhận đơn hàng giá thấp từ EU, bởi nếu cố làm thì sẽ không có lãi. Trong khi đó, khách hàng EU chỉ muốn đặt hàng có đơn giá thấp mà trước đây thường đặt từ Trung Quốc, nên nếu DN Việt Nam đòi tăng giá thì họ sẽ không chấp nhận”
Nền kinh tế Mỹ và một số nước phát triển đang gặp nhiều khó khăn, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua và khả năng nhập khẩu hàng hóa nói chung của thị trường này, nhất là đối với hàng dệt may. Tuy nhiên, theo chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện mới chiếm 4,74% tổng khối lượng hàng may mặc nhập khẩu vào nước này, nên Việt Nam vẫn còn cơ hội tăng thị phần, nếu DN nước ta thực sự năng động, ngay cả khi kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái.
Trong bối cảnh khó khăn do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và trước yêu cầu ngày một khắt khe từ các thị trường nhập khẩu…thì việc các DN dệt may duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất- kinh doanh như quý I/2008 đã là một nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, đặc biệt trong quý II, quý III năm nay, Bộ Công thương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục đề nghị các DN nên tập trung nhận những đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU, đồng thời tìm kiếm và thâm nhập sâu hơn các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và khu vực Trung Đông.
 

Nguồn: Vinanet