Trong 7 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm, y tế tăng 5,95% (tỷ lệ tăng bằng 1/3 so với chỉ số giá tiêu dùng là 19,78%). Mặt hàng dược phẩm tiếp tục đứng thứ 9/10 về chỉ số giá của các mặt hàng chủ yếu.
Tuy giá thuốc tăng nhưng theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam thì việc cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập lại đang gặp khó khăn do vướng mắc quy định hiện hành về giá thuốc trúng thầu. Quy định yêu cầu giá thuốc trúng thầu ổn định trong khoảng thời gian 6-12 tháng. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh công lập chậm thanh toán tiền thuốc 3-12 tháng cho các doanh nghiệp.
Giá một số thuốc phê duyệt trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tháng 1-2008 thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung giá thị trường hiện tại nên một số đơn vị trúng thầu đã bỏ thầu không cung ứng thuốc và gây thiếu thuốc trong bệnh viện.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược sẽ điều phối nguồn cung-cầu một cách hợp lý, ổn định giá thuốc đối với những thuốc thuộc danh mục chủ yếu dùng trong cơ sở khám chữa bệnh, tập trung quản lý giá thuốc tại các nhà thuốc nằm trong khuôn khổ bệnh viện công lập để có giá thấp hơn so với mặt bằng ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý ngành dược này sẽ tiếp tục công khai giá thuốc nhập khẩu, công bố giá CIF (giá nhập khẩu) lên trang web của mình và đẩy mạnh công tác đấu thầu tại khu vực y tế công lập theo hướng công khai, minh bạch và khuyến khích các Sở Y tế tại địa phương tổ chức đấu thầu tập trung.
Trong tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý Dược đã tiến hành xem xét công văn đề nghị điều chỉnh giá của 352 mặt hàng thuốc nhập khẩu của 30 công ty, trong đó có 22 cơ sở sản xuất thuốc ở nước ngoài hoặc cơ sở ủy quyền đăng ký thuốc. Hiện tại, 330 mặt hàng trong số 352 mặt hàng đang được cục đề nghị giải trình tính hợp lý việc điều chỉnh tăng giá.
 
 

Nguồn: Vinanet