Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội 10 tháng năm 2014 ước đạt 9.102 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 20.097 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 10 tháng năm nay, Hà Nội đã nhập siêu gần 11 tỷ USD, bằng 120,8% kim ngạch xuất khẩu, giảm nhẹ so với tháng trước (122%) và giảm so với cùng kỳ (133,4%). Trong các thành phần kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu (trị giá 193 triệu USD, tương đương 4,6% kim ngạch nhập khẩu của khối này) dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tăng trưởng nhập khẩu (7,7% so với 8%) do các doanh nghiệp này tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động nhập khẩu - phân phối.
Trong các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn là những nhà nhập khẩu chủ yếu (chiếm 62,1% kim ngạch nhập khẩu) và có tác động lớn nhất tới nhập khẩu của thành phố. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư nguyên liệu và máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ sản xuất (chiếm 64,2%). Trừ sắt thép, các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đều tăng trở lại do một số ngành công nghiệp trong nước đã tăng trưởng so với cùng kỳ: dệt (tăng 9,1%); sản xuất trang phục (tăng 25,1%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 54,6%), sản xuất xe có động cơ (tăng 27,9%), sản xuất giường tủ bàn ghế (tăng 39,6%), phân lân nung chảy (tăng 54,4%).
Nhập khẩu máy móc thiết bị giảm do một số ngành công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất 10 tháng giảm so với cùng kỳ như: sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 8,6%, sản xuất máy móc thiết bị khác giảm 2,5%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 22,4%, sản xuất giấy giảm 20,6%...
Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản: đạt 950 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,4%, tăng 12,8% so với cùng kỳ; hàng may, dệt: đạt 1.259 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,8%, tăng 18,8%; Giầy dép các loại và các sản phẩm từ da: đạt 206 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,3%, tăng 46,1%; Điện tử: đạt 351 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,9%, tăng 50,1%; Thủ công mỹ nghệ: đạt 159 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,8%, tăng 16,2%...
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm nay tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013 do cả 3 khối doanh nghiệp đều có tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó đáng kể khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng 32,8% và tăng 15,5% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 18,8% và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có tới 8 trong tổng số 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tăng trưởng khá cao, do các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản đã phục hồi khiến sức mua tăng trở lại: nhóm hàng may, dệt chiếm tỷ trọng 13,8% và tăng 18,8%; nhóm hàng xăng dầu tạm nhập, tái xuất chiếm tỷ trọng 7,9% và tăng 17,3%; nhóm hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh chiếm tỷ trọng 3% và tăng 19%; nhóm hàng giầy dép các loại và các sản phẩm từ da chiếm tỷ trọng 2,3% và tăng 46%, nhóm hàng điện tử chiếm 3,9% và tăng 50,1%, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 1,8% và tăng 16,2%.