Khoảng cách giữa thị trường XK hàng đầu Hàn Quốc và thị trường lớn thứ 2 Nhật Bản ngày càng xa trong bức tranh XK mực, bạch tuộc Việt Nam 10 tháng đầu năm nay. Tính đến hết tháng 11/2014, giá trị XK nhuyễn thể chân đầu sang Nhật Bản giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 23% tổng giá trị. Có thể nói, năm 2014, đã có nhiều DN buộc phải chủ động giảm hoặc “bỏ cuộc” tại thị trường Nhật Bản do hàng không đắt khách.

Có 2 lý do chính khiến cho XK mực, bạch tuộc trong 11 tháng đầu năm nay sang thị trường Nhật Bản giảm sút liên tiếp và cho đến cuối năm sẽ chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tiêu thụ của Nhật Bản giảm

Năm 2014 là năm thử thách đối với nền kinh tế Nhật Bản. Trong quý II/2014, tiêu thụ của người dân chiếm đến 60% dòng chảy nền kinh tế của đất nước đã giảm 5% so với quý đầu năm. Kể từ 1/4/2014, Chính Phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8%. Điều này khiến cho bắt đầu từ quý II/2014, chỉ số tiêu dùng và giá cả sản phẩm thực phẩm tươi sống và đông lạnh tăng liên tiếp từ 3-6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xuất khẩu chỉ tăng được 1% từ tháng 9/2012 đến tháng 7 năm nay.

Mặc dù đồng Yên đã trượt giá 26% so với USD trong 2 năm qua nhưng XK và sản xuất trong nước vẫn không được cải thiện đáng kể.  Từ tháng 6/2014, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố cắt giảm thuế thu nhập DN Nhật Bản từ 35% xuống dưới 30% trong vài năm tới kể từ tài khóa 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, nền kinh tế vẫn chưa có chuyển biến rõ nét.

Đây là một trong những lý do khiến hoạt động XK mực, bạch tuộc sang thị trường Nhật Bản trong 10 tháng đầu năm nay giảm sút. Giá XK mực, bạch tuộc sang thị trường Nhật Bản trong 5 năm trở về trước (2009-2013) cao nhất trong top 10 thị trường XK mực, bạch tuộc Việt Nam nhưng nay giảm 2-5%.

Nhật Bản tăng nhập khẩu bạch tuộc, Việt Nam thiếu nguyên liệu XK

Năm 2013 là năm NK kỷ lục mặt hàng bạch tuộc của Nhật Bản, từ 47,5 nghìn tấn trong năm 2012 lên hơn 58 nghìn tấn trong năm 2013. Đây là xu thế NK của 2 thị trường hàng đầu Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản trong 2/3 chặng đường của năm 2014.

8 tháng đầu năm 2014, giá trị NK bạch tuộc đông lạnh, khô, muối hoặc ngâm nước muối (HS 030759) của Nhật Bản chiếm từ 37-65% tổng giá trị NK, tiếp đó đến mực đông lạnh, khô, muối hoặc ngâm nước muối (HS 030749) chiếm tỷ lệ từ 21-39% tổng giá trị NK. Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Mauritania, Morocco đều là các nguồn cung hàng đầu đang cạnh tranh thị phần tại thị trường Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc, Mauritania và Morocco là 3 thị trường cung cấp hàng đầu bạch tuộc đông lạnh (HS 030759) cho thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm nay, các DN XK thủy sản Việt Nam gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu bạch tuộc chất lượng để XK đi thị trường khó tính Nhật Bản. Hiện tại, duy nhất tại vùng biển Kiên Giang vẫn còn có khả năng cung cấp lượng bạch tuộc trong nước phục vụ cho nhà máy XK. Tập trung vào thị trường Hàn Quốc và EU khiến cho lượng hàng bạch tuộc của Việt Nam cũng như giá xuất không thể cạnh tranh được với các DN XK Trung Quốc, Mauritania và Morocco

Dự báo, trong quý cuối năm và quý đầu năm 2015, nhu cầu NK bạch tuộc, mực nang của Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh. Các nguồn cung dồi dào tại Tây Phi có thể thắt chặt nguồn cung nên giá XK sang thị trường Nhật Bản sẽ tăng trong 2 quý đó. Tuy nhiên đây lại là một thách thức đối với các DN XK mực, bạch tuộc Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Vasep

Nguồn: Vasep