Ngành hàng rau quả là một trong những ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam những năm gần đây, năm sau luôn tăng trưởng cao hơn so với năm trước.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU NGÀNH HÀNG RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM

TỪ NĂM 2005 ĐẾN T10/2012

Đơn vị tính: triệu USD
Năm
2005
2006
2007
2008
2009
2010
2011
10T/2012
KN xuất khẩu
235
259
305,6
396
438
460,2
622,5
650,95
Tăng trưởng so với cùng kỳ (%)
31,3
10,21
17,99
29,58
10,61
5,07
35,27
4,57

Nhìn chung, từ năm 2005 đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam đều tăng trưởng khá, trung bình khoảng 300 triệu USD/năm. Tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt 650,95 triệu USD, tăng 29,72% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 4,57% so với cả năm 2011.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với ngành hàng này, với kim ngạch đạt 174,71 triệu USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 37,58% tổng kim ngạch ngành hàng này. Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tương đối đa dạng do kiểm soát và yêu cầu về chất lượng không quá cao như các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Các mặt hàng chủ yếu gồm: dưa hấu, nhãn, vải, rau xanh các loại...

Đối tác thứ hai là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này đạt 44,98 triệu USD, tăng 16,04% so với cùng kỳ 10 tháng năm 2011, chiếm 9,68% tổng kim ngạch. Các mặt hàng chủ yếu gồm: thanh long, vú sữa, rau diếp, tỏi tây, hành tăm, salát, củ cải, rau xanh các loại...(các loại này thời gian gần đây càng tăng mạnh do xu hướng ăn kiêng của người Nhật ngày càng tăng)

Chiếm thứ ba là Hoa Kỳ. Trong 10 tháng năm 2012, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,45 tiệu USD, chiếm 6,76% và tăng 39,65% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là các mặt hàng như thanh long, bưởi, nấm rơm muối, nấm rơm đóng lon, ngô non đóng lon, ngô luộc, các loại khoai lang, hành củ, tỏi, gừng, nghệ,...

Tiếp theo là các thị trường Nga (chiếm 5,15%), Indonesia (4,97%), Đài Loan (4,6%), Singapore (3,59%), Thái Lan (3,56%).

Hiện nay Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam một phần do sự thuận lợi về địa lý, một phần do các nước EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ kiểm soát rất chặt về chất lượng từ trồng, thu hái đến bảo quản sản phẩm khiến người trồng rau quả của Việt Nam gặp không ít khó khăn. Nhưng để phát triển lâu dài, việc nâng cao chất lượng là bắt buộc, càng làm nhiều với thị trường khó tính, chất lượng sản phẩm và tính chuyên nghiệp của các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam mới càng được nâng cao.

Nguồn: Thị trường