Những năm trước mắt, chúng ta có thể xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường phải bám vững, đẩy mạnh- một đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định như vậy tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững tổ chức giữa tháng 5 vừa qua.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, dù rau quả Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia, nhưng Trung quốc vẫn là thị trường “ăn” rau quả lớn nhất Việt Nam, thường chiếm tỷ trọng trên dưới 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 507 triệu USD, trong đó, riêng Trung Quốc đã tới 171,3 triệu USD (chưa kể thị trường Hồng Kông 7,7 triệu USD, thị trường Đài Loan 9,7 triệu USD), gấp 10 lần Hoa Kỳ, gấp hơn 4 lần Hàn Quốc cộng với Nhật Bản, gấp hơn 3 lần các nước Đông Nam Á cộng lại...
Thế nhưng, mặc dù luôn ở ngôi vị số 1 về thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam, nhưng thị trường nước láng giềng này lại không hề bền vững. Sự ùn tắc dưa hấu nhiều năm qua ở cửa khẩu biên giới Việt- Trung là ví dụ điển hình.
Hoặc, lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, tuy nhiên, tỉnh Bình Thuận nhiều khi “khóc dở, mếu dở” trước tình trạng thương lái Trung Quốc vào mua trực tiếp thanh long, không ngăn nổi, khiến việc sản xuất, kinh doanh thanh long “vỡ trận” ngay tại sân nhà, trước khi đưa lên cửa khẩu biên giới...
Đại diện UBND một tỉnh miền Trung than thở, đại ý: Không ai nói xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là bền vững, nhưng vẫn phải bán. Trong khi đó, thông tin thị trường Trung Quốc chưa nhiều, không biết thị trường Trung Quốc mua theo kiểu gì, bán như thế nào, cứ Trung Quốc mua nhiều, nông dân lại trồng ào ào, mua ít lại phá đi... Phía mua chủ động “cuộc chơi”, phía bán mù mờ “luật chơi”, rủi ro vô cùng lớn.
Một trong những cản ngại lớn với rau quả xuất khẩu của Việt Nam chính là “đói” thông tin thị trường, nhất là nhu cầu tiêu dùng, hàng rào kỹ thuật... Ngay cả thông tin trong nước cũng... đứt đoạn. Vụ dưa hấu vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo sản lượng, diện tích, để phối hợp với các tỉnh biên giới, tạo điều kiện thông quan, nhưng ít có hồi âm.
Có lẽ cần phải có một đề án về cung cấp thông tin thị trường, nhóm ngành hàng trọng điểm... từ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... đến các bộ, ngành Trung ương, để phục vụ công tác điều hành xuất nhập khẩu. Những thông tin này cũng là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm quy hoạch sản xuất nông sản- một trong những yêu cầu bức thiết để tạo thế chủ động trong xuất khẩu.