Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự kiến, năm 2014, xuất khẩu thủy sản cả nước sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2013.

Xuất khẩu tôm giữ vững ngôi đầu

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2014 ước đạt 679 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 8 tháng đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng với mặt hàng tôm, 7 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đã vượt mức 2 tỷ USD, trong đó tập trung vào các loại tôm sống/tươi/đông lạnh; tôm chế biến (tôm sú và tôm chân trắng)…

Xét về thị trường, Mỹ, Nhật Bản và EU vẫn là 3 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, trong đó Nhật Bản là thị trường lớn nhất của tôm sú. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2014, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ là 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất (100 – 298%) so với cùng kỳ năm trước.

Một tín hiệu vui cho ngành thủy sản nước ta là Nga - một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với thủy sản của Việt Nam. Trước đó, lệnh cấm được ban hành đầu năm 2014 này cùng với sự khống chế ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... đã khiến giá thủy sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng chịu bất ổn kéo dài suốt 6 tháng đầu năm 2014. Do đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm này được kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam bứt phá trong các tháng cuối năm.

Cá tra - “điểm sáng” tại các thị trường nhỏ

Cũng theo VASEP, tính đến giữa tháng 8/2014, xuất khẩu cá tra sang các nước ASEAN đạt 87,5 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN là thị trường xuất khẩu cá tra lớn 3 sau EU và Mỹ, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao. Trong khu vực ASEAN, những thị trường nhập khẩu lớn sản phẩm này của Việt Nam là Thái Lan, Singapore...

Cùng với thị trường ASEAN, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Trung Đông cũng đạt mức tăng trưởng khả quan. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt 90,65 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013. Ả rập Xêut là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối này, tiếp đến là Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

VASEP cho biết, từ năm ngoái đến nay, do xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu có nhiều khó khăn nên các DN thủy sản Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến việc chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhỏ. Bên cạnh đó, do cá tra Việt Nam đáp ứng được tốt những yêu cầu về giá cả, mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm... nên cũng được những thị trường khu vực trên ưa chuộng.

Hiện nay, khoảng 100 trang trại nuôi cá tra/basa (hơn 2.800 ha nước, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi cá tra/basa của Việt Nam) đã nhận được giấy chứng nhận sản xuất bền vững như VietGAP, ASC, BAP, SQF 1000/2000 CM. Đáng chú ý là 2.000 ha trong số đó đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo VASEP, nếu tiếp tục được kiểm soát tốt về dịch bệnh và duy trì diễn biến tốt tại các thị trường, khả năng xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2014 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD. Cá tra, basa và các mặt hàng thủy sản khác có khả năng đạt 1,8 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2014 đạt mức 7 tỷ USD. Thủy sản vẫn sẽ là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam năm 2014.

Việt Nam đang thí điểm một dây chuyền sản xuất cá ngừ theo tiêu chuẩn Nhật Bản ở 3 tỉnh miền Trung là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là dấu hiệu quan trọng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam cũng như gia tăng lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2014.

Nguồn: Hiệp hội thủy sản

Nguồn: Vasep