Theo lộ trình, ngành dệt may sẽ phấn đấu năm 2010 đạt hạn mức 1 tỷ m2 vải, trong đó có 500 triệu m2 phục vụ xuất khẩu và tới năm 2015 đạt 1,5 tỷ m2 vải dệt thoi, trong đó 1 tỷ m2 cho xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, ngành dệt may sẽ tập trung phát triển sản xuất một số mặt hàng chủ lực, thông dụng có nhu cầu số lượng lớn ở các doanh nghiệp may xuất khẩu như: vải bông, bông pha để may quần áo, vải dùng trong gia đình…
Bên cạnh đó, ngành dệt sẽ xây dựng một số trung tâm dệt nhuộm đủ lớn về quy mô nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và được bố trí tại các khu công nghiệp thuận lợi cho cung cấp điện, cấp nước và xử lý nước thải. Đặc biệt, việc đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm sẽ gắn với hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các nước có ngành dệt phát triển và có xu hướng chuyển dịch; đa dạng hóa sở hữu, tổ chức các nhà máy nhuộm hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, hợp tác sản xuất, liên doanh liên kết trong đó Vinatex giữ vai trò nòng cốt.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam với vai trò cầu nối, trong thời gian tới phải là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức chương trình kêu gọi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp từ các nước có truyền thống dệt nhuộm đầu tư vào Việt Nam; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu, hình ảnh DN với người tiêu dùng trong nước và bạn hàng nước ngoài; tăng cường công tác tư vấn pháp luật thương mại quốc tế; đồng thời chuẩn bị kỹ việc chống các rào cản mới của các nước NK; xây dựng các trung tâm nguyên phụ liệu, trung tâm mua bán vải cho các DN may.
Nguồn vốn để thực hiện chương trình này, chủ yếu được huy động từ các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn vay từ các quỹ đầu tư, vốn ODA, vốn từ tiền chuyển quyền sử dụng đất khi di dời các nhà máy và một phần vốn từ thị trường chứng khoán khi các DN phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
 

Nguồn: Vinanet