So với năm 2006, giá thành phẩm một số loại TACN (ngô, khô dầu đậu tương, sắn lát, cám gạo) tăng 30 - 60%, nguyên liệu tăng 30 - 80%, có loại tăng 100%. Sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi, sản xuất thức ăn tinh mới đáp ứng 80%. Nguồn thức ăn thô, xanh cả nước đạt 66 triệu tấn so với nhu cầu 110 triệu tấn. Mỗi năm VN phải nhập khẩu từ 500 - 700 nghìn tấn ngô hạt cho chăn nuôi (khoảng 135 đến 185 triệu USD). Riêng thức ăn công nghiệp đóng gói phải nhập 40% - 50%.

Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, giá hai loại nguyên liệu chính là khô đậu tương và ngô đã tăng kỷ lục. Khô đậu tương trong tháng cuối năm 2007 đã tăng tới trên 80%, từ 4.200 đồng lên 7.700 đồng/kg, ngô tăng 23%, từ 3.400 đồng lên 4.200 đồng.

Nguyên nhân chính của sự tăng giá này là do giá nguyên liệu TACN trên thế giới liên tục tăng, giá cước vận chuyển cũng tăng. Các công ty liên tục tăng giá bán, nhiều nhà máy nhỏ đóng cửa (Bắc Giang có 5/7 nhà máy phải đóng cửa vào hai tháng cuối năm 2007).

Theo Chủ tịch Hiệp hội TACN VN, một trong những nguyên nhân khiến trồng trọt chưa đáp ứng nhu cầu TACN là do chưa tập trung đầu tư thuỷ lợi cây trồng TACN. Diện tích ngô tưới thấp, chủ yếu nhờ nước trời. Thực tế, ở các vùng ngô có hồ đập lớn liên tục đưa nước vào, năng suất cao hơn các vùng nhỏ lẻ khác từ 1 - 1,5 tấn/ha. Đối với đỗ tương, ngành chăn nuôi nước ta không có tiềm năng do sâu bệnh phát sinh quá lớn, đất trồng cằn cỗi, chưa trồng thâm canh mà chỉ quảng canh, đồng thời hệ thống cung ứng sản xuất giống còn hạn chế nhiều về kỹ thuật.

Trước mắt, Cục Chăn nuôi đang tiến hành tăng nguồn nguyên liệu sẵn có, quy hoạch sản xuất TACN gắn với vùng nguyên liệu, phát triển các giống cây nguyên liệu TACN đáp ứng yêu cầu về năng suất, chống chịu dịch bệnh.

 

Nguồn: Vinanet