Trên thực tế, tình hình đơn hàng đã được cải thiện nhiều trong quý 2 và quý 3 năm nay. Thậm chí, nhiều DN, đặc biệt là các DN lớn đã có đơn hàng ổn định tới tháng 10, 11. Nhiều DN phải đi gia công tại các DN vệ tinh. Tuy nhiên, để giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động, đảm bảo hoàn thành tối đa chỉ tiêu xuất khẩu năm, Bộ Công Thương cho rằng ngành dệt may vẫn cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu ở những thị trường khác như Nam Mỹ, Châu Phi; đồng thời, cơ cấu lại tổ chức, rà soát và tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp nhằm đón đầu và phát triển bền vững trong các năm tiếp theo sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay.
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam: Sang năm 2010, dự báo ngành dệt may sẽ có thuận lợi hơn nên xây dựng kế hoạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với mức thực hiện năm nay. Và càng những năm về sau, tốc độ tăng trưởng mặt hàng này sẽ càng cao hơn. Với số lao động dự kiến tăng bình quân 4%/năm, toàn ngành sẽ lấy năng suất và giá trị là thước đo chính.

Có 4 vấn đề lớn đang được đặt ra đối với ngành dệt may. Trước tiên, ngành dệt may sẽ không thể thu hút lao động dồi dào như trước do mức thu nhập thấp và tranh chấp lao động ngày càng lớn. Vì vậy, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong những năm tới, các DN cần có giải pháp ký các thoả ước lao động tập thể nhằm giải quyết hài hoà quyền lợi của người sử dụng và người lao động, tập trung đào tạo cán bộ về quản trị kinh doanh, quản lý thị trường. Bên cạnh đó, chuyển dịch sản xuất về các địa phương, ưu tiên chọn những nơi có đường giao thông thuận lợi đi về các cảng lớn. Hiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang xây dựng những điển hình về năng suất lao động, áp dụng thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Hiện nay, DN vừa phải bảo vệ môi trường nơi sản xuất, vừa phải bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu. Do vậy, ngành đang khẩn trương xây dựng các khu công nghiệp (KCN) dệt nhuộm và xử lý môi trường trong các cơ sở này; đồng thời xây dựng phòng thí nghiệm sinh thái về ngành dệt để các tổ chức nước ngoài cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường. Sau này, sản phẩm của các DN dệt trong nước trước khi xuất khẩu đều phải qua phòng này kiểm tra. Ngoài kiểm soát hàng rào bảo vệ các DN xuất khẩu thì cơ quan hữu quan cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường để cảnh báo người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm may mặc nhập khẩu.
 
Đối với việc đầu tư nguyên phụ liệu, ngoài Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa 100% vốn nước ngoài sản xuất xơ, sợi tổng hợp mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, tư nhân cũng đầu tư 4 nhà máy xơ, sợi khác tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An, đảm bảo đến năm 2015, đáp ứng được 70% nhu cầu. Tổng Giám đốc Vinatex cho biết: Hiện Tập đoàn đã làm mẫu 3 trang trại trồng bông với diện tích 50ha/trang trại, thành lập Công ty cổ phần bông để trồng 2.500ha bông; thành lập xong Hợp đồng phát triển cây nguyên liệu tập trung vào bông và một số cây nguyên liệu cho ngành dệt. Tập đoàn cũng đặt đơn hàng cho Viện nghiên cứu cây bông thực hiện đề tài sản xuất giống bông tăng năng suất, mang tính quốc gia. Mặt khác, nghiên cứu hợp tác với Cam-pu-chia để trồng bông. Vinatex còn đang đầu tư và liên doanh đầu tư các dự án sản xuất xơ, sợi tổng hợp tại Ninh Thuận và Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, các DN trong tập đoàn còn tự túc đầu tư các nhà máy dệt thoi như Việt Thắng, dệt Nam Định, dệt Vĩnh Phúc...

Như vậy, với hướng phát triển này, đến năm 2015, ngành dệt may đảm bảo tỷ lệ nội địa hoá 70-80% là hoàn toàn có cơ sở nhưng dệt thoi vẫn là bài toán khó nhất, cần gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào. Song song với đó, toàn ngành đang tập trung chuyển dần từ gia công sang mua đứt bán đoạn (FOB), tự thiết kế mẫu, kết hợp với thời trang hoá ngành dệt may Việt Nam.

Tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương với Vitas và Vinatex về xây dựng kế hoạch xuất khẩu 2010, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu cho rằng để ngành dệt may có những bước đột phá trong giai đoạn 2011-2015 thì xúc tiến thương mại vẫn là công cụ hữu hiệu nhất bên cạnh thúc đẩy các biện pháp thuế quan, xây dựng hệ thống phân phối để phát triển thị trường nội địa.


Nguồn: Vinanet