(VINANET) - Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 277,6 triệu USD, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 5/2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lại giảm so với tháng trước đó, giảm 20%, với kim ngạch 55,9 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu dầu thực vật từ các thị trường như Malaixia, Indonesia, Hoa Kỳ, Thái Lan… trong đó Malaixia là nguồn cung chính, chiếm 75,8% thị phần, đạt kim ngạch 210,5 triệu USD, tăng 32,22% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường có kim ngạch nhập nhiều thứ hai sau Malaixia là Indonesia, với kim ngạch 34,1 triệu USD, giảm 33,49%....

Nhìn chung, 5 tháng đầu năm nay, tốc độ nhập khẩu mặt hàng này từ các thị trường giảm kim ngạch là phần lớn, số thị trường này chiếm 54,5%. Thị trường có tốc độ nhập khẩu giảm mạnh nhất là Achentina, giảm 70,08%, đứng thứ hai là thị trường Thái Lan, giảm 36,26%...

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu dầu mỡ động thực vật 5 tháng 2014 – ĐVT: USD

 
KNNK 5T/2014
KNNK 5T/2013
% so sánh
Tổng KN
277.618.536
254.593.226
9,04
Malaixia
210.544.513
159.239.446
32,22

Indonesia

34.102.739
51.276.196
-33,49
Hoa Kỳ
5.236.153
5.300.317
-1,21
Thái Lan
5.224.649
8.197.236
-36,26
An Độ
4.381.334
2.997.435
46,17
Achentina
3.283.363
10.973.941
-70,08
Chile
2.974.732
3.713.968
-19,90
Hàn Quốc
1.967.939
1.805.322
9,01
Oxtraylia
1.718.374
2.601.514
-33,95
Trung Quốc
1.428.892
1.350.817
5,78
Singapore
604.246
488.995
23,57

Về thuế tự vệ đối với mặt hàng dầu ăn nhập khẩu, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này đang kêu than về loại thuế này.

Trước đây một số doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn trong nước “kêu cứu” đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu áp thuế tự vệ đối với dầu ăn nhập khẩu. Đến năm 2013 thì dầu ăn nhập khẩu bị áp thuế tự vệ 5%.

Nay đến lượt các DN nhập khẩu dầu ăn về để sản xuất xuất khẩu lên tiếng “kêu cứu” về khoản thuế tự vệ này, trong đó có cả các DN đã từng kêu gọi, ủng hộ áp thuế tự vệ như Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Golden Hope Nhà Bè...

Thuế tự vệ với dầu ăn được áp dụng trong bốn năm, bắt đầu là 5% và giảm 1% sau mỗi năm. Việc áp thuế này nhằm mục đích bảo hộ ngành sản xuất nội địa. Nhiều ý kiến cho rằng nếu vậy thì dầu ăn nhập về để sản xuất rồi xuất khẩu đi, không tiêu thụ trong nội địa, không cạnh tranh với dầu ăn nội địa thì cần được xem xét để không phải chịu thuế tự vệ.

Khi DN phản ánh ý kiến và nguyện vọng, Tổng cục Hải quan trả lời rằng việc hoàn lại phần thuế nhập khẩu thì thực hiện theo Thông tư 128/2013 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, Thông tư 128/2013 chỉ hướng dẫn hoàn thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp nộp thừa tiền thuế theo quy định. Thông tư này không đề cập đến hoàn thuế đối với trường hợp nhập để sản xuất xuất khẩu.

Tổng cục đã trao đổi ý kiến với các đơn vị có liên quan và sẽ có văn bản gửi Bộ Công Thương khi Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể. Sau khi trao đổi ý kiến thì Bộ Tài chính có hướng dẫn không hoàn thuế.

Theo Bộ Tài chính, “các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về việc hoàn thuế chống bán phá giá cho hàng nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu”. Vì vậy mà “các khoản tiền thuế tự vệ phải nộp khác và DN đã nộp theo quyết định chính thức của Bộ Công Thương thì không được xét hoàn trả theo quy định của pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa”.

Cuối tháng 5, Cục Quản lý cạnh tranh có công văn liên quan đến hoàn thuế tự vệ, khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương rằng các loại thuế tự vệ, chống bán phá giá cần được thực hiện như thuế nhập khẩu.

Cục này dẫn chiếu quy định của Pháp lệnh Về biện pháp tự vệ: “Các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam bao gồm: “1. Tăng mức thuế nhập khẩu; 2. Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu; 3. Áp dụng các biện pháp khác do Chính phủ quy định”.

Do đó, nếu biện pháp tự vệ được thực hiện dưới hình thức thuế thì đó là thuế nhập khẩu (tăng mức thuế nhập khẩu). Ngoài ra, Điều 2 Pháp lệnh Về biện pháp chống bán phá giá và Điều 2 Pháp lệnh Về biện pháp chống trợ cấp quy định: “Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung...”, “Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung...”.

Như vậy, thuế tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp đều được coi là thuế nhập khẩu (bổ sung hay tăng thêm). Theo đó, việc áp dụng các loại thuế này cần được thực hiện như thuế nhập khẩu.

Giữa tháng 6, Tổng cục Hải quan có công văn về vướng mắc thuế tự vệ trả lời cho các DN bị vướng. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chuyển vướng mắc về thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, hoàn thuế trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu...) để Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) chủ trì, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn chính thức.

Trong thời gian Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn chính thức thì các DN vẫn cứ nộp thuế và chưa được hoàn thuế.

Ngay cả đối với Tổng cục Hải quan cũng băn khoăn trong việc áp thuế hay không áp thuế tự vệ đối với dầu ăn nhập khẩu vào khu kinh tế cửa khẩu. Theo tổng cục, nếu áp thuế thì không phù hợp quy định về khu phi thuế quan (không chịu thuế). Nhưng nếu không áp thuế tự vệ với dầu ăn nhập khẩu từ nước ngoài vào các khu này sẽ không đảm bảo mục tiêu “áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa”. Bởi lẽ, một số khu như Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Khu kinh tế Cầu Treo là các khu rộng lớn không có hàng rào bao quanh nhưng lại có cư dân sinh sống và có thể mua sắm miễn thuế tại các khu này.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/PLTP

Nguồn: Vinanet