Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày tháng 11/2013 sụt giảm trở lại, sau khi tăng trên 16% trong tháng 10, sang tháng 11 giảm 5,28%, chỉ nhập 333,41 triệu USD; tính chung tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này cả 11 tháng đầu năm đạt gần 3,41 tỷ USD, tăng 18,36% so với cùng kỳ năm 2012.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp nguyên liệu dệt may, da giày cho Việt Nam, với gần 1,1 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm 32,17% tổng kim ngạch; tiếp đến Hàn Quốc 648,14 triệu USD, chiếm trên 19%; Đài Loan 379,8 triệu USD, chiếm 11,14%.

Nhìn chung, tháng 11 nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu dệt may, da giày từ hầu hết các thị trường đều sụt giảm so với tháng 10; trong đó đáng chú ý là nhập khẩu từ những thị trường hàng đầu đều giảm như: nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 1,46%, trị giá 103,7 triệu USD; nhập từ Hàn Quốc giảm 1,11%, trị giá 66,37 triệu USD; nhập khẩu từ Đài Loan giảm 25,82%, trị giá 31,8 triệu USD; nhập từ Hồng Kông giảm 20,43%, trị giá 18,85 triệu USD.

Mặc dù kim ngạch nhập khẩu tháng 11 sụt giảm so với tháng 10, nhưng tính chung cả 11 tháng, kim ngạch vẫn tăng 18,36% so với cùng kỳ, đạt 3,41 tỷ USD và kim ngạch tăng ở đa số các thị trường; trong đó kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh ở một số thị trường như: Italia (+68,16%); Australia (+54,5%); NewZealand (+44,7%); Achentina (+30,38%). Tuy nhiên, kim ngạch sụt giảm mạnh ở một vài thị trường như: Canada (-55,92%); Ba Lan (-42,51%);  Hà Lan (-38,41%).

Thị trường cung cấp nguyên liệu dệt may, da giày cho Việt Nam 11 tháng đầu năm 2013 ĐVT: USD

 
 
Thị trường
 
T11/2013
 
11T/2013

T11/2013 so với T10/2013(%)

11T/2013 so với cùng kỳ(%)

Tổng kim ngạch
333.405.921
3.409.988.362
-5,28
+18,36
Trung Quốc
103.700.567
1.097.043.393
-1,46
+26,12
Hàn Quốc
66.365.006
648.136.378
-1,11
+21,33
Đài Loan
31.802.993
379.796.352
-25,82
+4,85
Hồng Kông
18.847.575
202.592.278
-20,43
+3,09
Nhật Bản
22.634.716
190.004.342
+10,50
-2,76
Hoa Kỳ
15.195.503
164.782.398
+31,10
+29,11
Thái Lan
11.899.550
130.160.169
-19,49
+19,96
Italia
15.206.519
124.581.058
+1,20
+68,16
Ấn Độ
8.912.238
81.266.548
-32,62
+13,98
Braxin
8.347.733
59.406.012
+120,96
+7,83
Indonesia
3.490.767
43.743.638
-2,96
+18,19
Achentina
3.371.382
36.722.203
-20,30
+30,38
NewZealand
5.045.493
34.226.081
-13,44
+44,70
Đức
1.863.468
25.283.759
+6,00
+14,24
Malaysia
2.715.453
23.189.430
+10,71
+21,96
Pakistan
1.700.769
18.156.622
-16,35
+26,52
Australia
1.707.795
17.823.875
+26,19
+54,50
Tây Ban Nha
2.261.255
15.930.558
+5,92
-5,61
Anh
746.325
12.789.602
-51,43
+15,02
Pháp
445.652
6.843.213
-35,35
-33,31
Ba Lan
179.176
5.877.084
-77,84
-42,51
Singapore
398.750
2.902.243
+36,49
-19,37
Canada
0
2.662.911
*
-55,92
Hà Lan
111.778
1.588.480
-33,22
-38,40
Áo
49.359
1.236.231
+99,91
-14,69
Doanh nghiệp dệt may đau đầu vì nguyên liệu: Theo quy định đang được đàm phán Hiệp đinh TPP, để hưởng ưu đãi thuế thì DN phải có toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên (gồm Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ).

Chẳng hạn với Mỹ, thị trường nhập khẩu chủ lực chiếm 40-43% giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam, nếu TPP được thông qua, thuế suất sẽ về 0%, từ mức bình quân khoảng 17% - 18% theo Hiệp định thương mại song phương (BTA)... Điều này sẽ khiến dệt may Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn với một số các quốc gia không phải thành viên TPP. Do đó, với quy định xuất xứ từ sợi trở đi, nếu được thực thi, chắc chắn các sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ khó có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu. Nguyên nhân chính, là bởi Malaysia xuất khẩu chính sang Mỹ, nhập khẩu cũng từ các nước thành viên TPP nên đang trong điều kiện tiếp cận ưu đãi tốt hơn.

Nhưng thay đổi nguồn cung cấp nguyên liệu nhập khẩu không dễ. Tại hội nghị mới đây, cập nhật tình hình mới nhất về quá trình tham gia đàm phán TPP của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu Việt Nam đã không đồng ý với quy tắc “từ sợi trở đi”, do đây là yêu cầu ngặt nghèo, rất khó khi Việt Nam hiện chưa có năng lực để có thể sản xuất từ sợi.

Bởi trong các nước TPP, DN chỉ có thể nhập được vải từ Hoa Kỳ và Mexico, nhưng nếu nhập từ hai nước này sẽ làm đội chi phí giá thành, triệt tiêu mọi lợi ích của DN xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Tìm nguồn hàng trong nước thay thế gần như là giải pháp duy nhất cho vấn đề này, nhưng thực thi không dễ dàng. Hiện nguồn nguyên phụ liệu vải may trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, lại tập trung chủ yếu trong miền Nam, nên DN dệt may phía Bắc, có quy mô nhỏ và vừa rất khó để ký được đơn hàng cung cấp nguyên liệu. Nếu vấn đề này không được xử lý, chắc chắn sản phẩm may mặc xuất khẩu của các DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các nước, do mức thuế suất cao.

Để đáp ứng yêu cầu của TPP, một số DN đã tính đến việc chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Cơ hội tăng trưởng vượt bậc của dệt may khi TPP được thông qua đang là “cần câu” để nhiều DN trong ngành bám vào, hy vọng một sự tăng trưởng mới trong giai đoạn tới. Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích, có đến 60% thị trường của dệt may Việt Nam đến từ các nước thành viên TPP nên đây rõ ràng là cơ hội lớn cho ngành. Dệt may có thể tăng trưởng 15% - 20% trong giai đoạn 2013 - 2017, quy mô xuất khẩu đạt 25 tỷ USD vào Mỹ và đến năm 2025 sẽ đạt trên 50 tỷ USD.

Song, đây chỉ là con số ước tính về mặt lý thuyết. Trên thực tế, những yếu tố khác như việc mở rộng sản xuất, những yêu cầu mới được mở rộng trong TPP ở các kỳ đàm phán sắp tới... lo ngại khả năng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam khó có đột biến.

Nguy cơ từ khả năng hạn chế của DN trong nước, đi cùng với sự thu hút vốn, công nghệ nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu đang là rào cản lớn nhất để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với lợi ích của TPP, khiến những ưu đãi này trở thành nền tảng cho đột phá của ngành.

Từ đó, ông Trường cho rằng, cần nhanh chóng kích thích nhà đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, cũng cần có những quy định để cân đối lợi ích giữa DN Việt Nam và nước ngoài. Quy tắc xuất xứ nguyên liệu phải được xử lý để tránh tạo thành rào cản lớn cho DN Việt Nam, vốn đang bị phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Thực tế, những quy tắc xuất xứ của ngành dệt may giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang có nhiều điều khác biệt, nên cần đàm phán để tạo ra các điều kiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn của DN.

Được biết, nội dung đàm phán liên quan đến dệt may sẽ được thảo luận trong các phiên sắp tới của TPP. Việc có hay không áp dụng quy tắc “xuất xứ từ sợi” sẽ có ý nghĩa quyết định lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.

(Nguồn: Lefaso)

Nguồn: Tin tham khảo