(VINANET) – Tính từ đầu năm cho đến hết tháng 5/2014, cả nước đã nhập khẩu 476,8 triệu USD sữa và sản phẩm, tăng 20,06% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính riêng tháng 5/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 115,1 triệu USD sữa và sản phẩm, tăng 11,7% so với tháng liền kề trước đó.

Trong số những thị trường cung cấp sữa và sản phẩm sữa cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, thì Niudilân là thị trường nhập khẩu chính, chiếm 26,8% thị phần, tăng 11,63% tương đương với 127,9 triệu USD.

Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với 108,8 triệu USD, tăng 55,4% so với 5 tháng năm 2013.

Nhìn chung, 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu sữa và sản phẩm đều tăng trưởng ở hầu khắp các thị trường, số thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chiếm 61,5%, trong đó thị trường Đức có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 53%, tương đương với 21,7 triệu USD.

Thị trường có tốc độ tăng trưởng âm mạnh nhất là Malaysia, giảm 9,5%, tương đương với 17,4 triệu USD.

Thị trường sữa Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh mạnh và quy mô tương đối lớn. Tiềm năng của thị trường vẫn còn rất cao khi tỷ lệ sữa tiêu thụ trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. “Miếng bánh” này càng ngon hơn nữa khi giá sữa Việt Nam được đánh giá vào loại cao nhất thế giới.

Báo cáo của Kantar Worldpanel cho thấy, sữa và các sản phầm từ sữa là loại hàng tiêu dùng có sức tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam khi tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2013. Đây là tỷ lệ tăng rất lớn. Nhiều thị trường khác có tốc độ tăng trưởng dưới 10%.

Vì có nhiều điểm hấp dẫn nên thị trường sữa Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều hãng sữa nổi tiếng thế giới. Và sữa Trung Quốc cũng không thể bỏ qua thị phần béo bở này được. Sữa Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ khá sớm nhưng hầu như chưa thương hiệu nào khẳng định được vị thế của mình.

Tuy nhiên, do dùng chiến lược giá thấp như nhiều mặt hàng khác nên các sản phẩm sữa Trung Quốc vẫn có chỗ đứng riêng trên thị trường.

Tuy nhiên, các sản phẩm của Trung Quốc vốn không được người tiêu dùng đánh giá cao vì chất lượng không đảm bảo. Nếu một số mặt hàng khác như quần áo, giày dép, người tiêu dùng có thể nhắm mắt làm ngơ vì sản phẩm không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Nhưng sữa thì khác. Đa phần, sản phẩm sữa đều dành cho trẻ em, lớp đối tượng khách hàng được đặt yếu tố sức khỏe lên hàng đầu nên sữa Trung Quốc không giữ được vị thế giá rẻ kể từ vụ bê bối sữa melamine diễn ra năm 2008.

Việt Nam không tuyên bố ngừng nhập khẩu Trung Quốc nhưng vì lo cho sức khỏe của thế hệ tương lai, khách hàng Việt Nam ngay lập tức quay lưng lại với sản phẩm sữa Trung Quốc.

Mặc dù trong vụ bê bối sữa nhiễm Melamine, sữa bột mới là “trung tâm” của vấn đề nhưng khách hàng Việt đã nói không với hầu như các sản phẩm sữa khác có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Bị khách hàng Việt quay lưng, thị phần sữa Trung Quốc tại Việt Nam vốn đã khiêm tốn nay lại càng nhỏ nhoi hơn.

Nếu trước năm 2008, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa từ Trung Quốc luôn đạt 200 triệu USD thì sau năm 2008, nhập khẩu sữa giảm dần. Và đến năm 2013, con số này chỉ gần 90 triệu USD/năm.

Và nay sang năm 2014, cụ thể là 5 tháng đầu năm nay, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, thì sữa Trung Quốc không có thị phần trên thị trường Việt Nam.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu sữa 5 tháng 2014 – ĐVT: USD

 
KNNK 5T/2014
KNNK 5T/2013
% so sánh
Tổng KNNK
476.824.151
397.156.502
20,06
Niudilân
127.906.149
114.582.815
11,63
Hoa Kỳ
108.862.869
70.054.393
55,40
Thái Lan
32.517.671
25.872.255
25,69
Hà Lan
26.723.897
24.189.927
10,48
Đức
21.777.722
14.233.596
53,00
Malaisia
17.497.650
19.334.847
-9,50
Oxtrâylia
13.244.788
8.932.557
48,28
Pháp
12.389.994
19.798.364
-37,42
Đan Mạch
7.021.327
21.431.520
-67,24
Ba Lan
4.779.577
4.254.139
12,35
Hàn Quốc
4.199.421
5.446.515
-22,90
Tây ban Nha
3.149.708
2.180.794
44,43
Philippin
2.842.789
3.567.514
-20,31

Hiện nay, trên thị trường hãng sữa ngoại chiếm hơn 75% thị phần sữa bột tại Việt Nam, dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán.

Về mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người, theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 1990 đạt 0,47kg/người/năm. Trong vòng 20 năm sau, con số này tăng hơn 30 lần, đạt 14,4kg/người/năm vào năm 2010, và năm 2014 hiện khoảng 16 kg. Đến năm 2020, con số tiêu thụ sữa dự kiến sẽ đạt 27-28kg/người/năm.

Theo thống kê của Bộ Công thương, về chủng loại sữa bột, sữa ngoại chiếm khoảng 75% thị phần. Trong đó đứng đầu là Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady (Freisland Campina), Dumex, Nestlé… Với tỷ lệ này, các hãng sữa ngoại hoàn toàn dẫn dắt thị trường và quyết định giá bán.
Trong đó, Abbott với hơn 120 nhãn sữa đang bày bán trên thị trường nội địa đã chiếm khoảng 30%, với mức doanh thu trung bình 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Thị phần của Mead Johnson tại Việt Nam dao động khoảng 14,4%. Thị phần sữa của Nestlé trên thị trường Việt Nam rất thấp, ở mức một con số.

Nguồn: EuroMonitor

Ngoài những dòng sữa kể trên, trên thị trường hiện nay còn rất nhiều loại sữa nhập ngoại khác như Gallia, Nutriben của Pháp, Aptamin của Anh, Đức, Meiji của Nhật. Ngoài ra, có một thị phần không nhỏ của sữa bột dành cho các thương hiệu khác không có nhà phối chính thức (sữa xách tay). Các dòng sản phẩm này đang chiếm khoảng 14% thị phần sữa hiện tại.

Hiện các doanh nghiệp nội đang ra sức tăng thị phần trong bối cảnh nguồn nguyên liệu sản xuất vẫn phụ thuộc lớn từ bên ngoài. Do đó, việc đầu tư và đưa vào hoạt động “siêu nhà máy sữa bột” tại Bình Dương của Vinamilk đã thật sự tạo một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đặc biệt là phân khúc sữa bột trẻ em.

 

Vinamilk hiện nắm thị phần tương đối và một số mặt hàng ở thế áp đảo như sữa chua, sữa đặc có đường, nhưng ở một số phân khúc như sữa tươi và sữa bột cũng còn hạn chế. Cụ thể, Vinamilk chiếm 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua, 50% thị phần sữa tươi và khoảng 25 - 30% thị phần sữa bột của Việt Nam. Với công suất thiết kế khá lớn của 2 nhà máy mới này, Vinamilk đặt kế hoạch sẽ chiếm lĩnh 50% thị 60% thị phần sữa nước trong những năm tới.

 

Hiện tại, Vinamilk mới chỉ đáp ứng được 30% nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, 70% nguồn nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu sữa bột từ New Zealand, Mỹ và các nước EU.

 

Vinamilk có tổng cộng 13 nhà máy sản xuất sữa. Trong năm 2013, Vinamilk đưa vào vận hành 2 nhà máy sữa bột và sữa nước có công suất khá lớn: nhà máy sữa bột với công suất 54.000 tấn/năm và nhà máy sữa Việt Nam với công suất thiết kế 400 triệu lít sữa/năm (giai đoạn 2 sẽ nâng công suất nhà máy lên 800 triệu lít sữa/năm vào năm 2015).

 

Vinamilk hiện đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sữa. Sau khi đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước hiện đại tại Bình Dương, Vinamilk tiếp tục tăng vốn đầu tư từ 121 triệu NZD (tiền New Zealand) lên gần 148 triệu NZD để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 19.33% vốn tại Nhà máy sữa Miraka ở New Zealand.

 

Ngoài ra, Vinamilk cũng nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho khoản góp vốn trị giá 7 triệu USD vào Công ty Driftwood tại Mỹ, tương đương 70% vốn chủ sở hữu tại công ty sữa này. Năm 2014, Vinamilk dự kiến sẽ mở thêm một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) chuyên sản xuất sữa đặc, sữa chua, sữa tiệt trùng.

 

Năm 2014, 2015 Vinamilk sẽ tiếp tục triển khai đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại mới tại Tây Ninh (quy mô 10.000 con), Hà Tĩnh (quy mô 3,000 con), Thanh Hóa 2 (quy mô 3.000 con) và Nông trường Thống Nhất, Thanh Hóa (quy mô 20.000 con).

 

Về tính cạnh tranh, giá cả có thể coi là điểm mạnh của Vinamilk so với các sản phẩm của các đối thủ trong nước và ngoại nhập. Mặc dù giá sữa nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh trong năm 2013 khoảng 25%, giá bán sản phẩm chỉ tăng có 7%, nhưng tỷ lệ giá vốn/DTT năm 2013 sụt giảm so với năm 2012. Nguyên nhân là do Vinamilk bên cạnh tăng giá bán để bù đắp chi phí thì sản lượng hàng bán cũng tăng 10% giúp tận dụng nguồn lực sẳn có về con người và máy móc hoạt động hết công suất.

 

NG.Hương

 

Nguồn: Vinanet/DVO

 

Nguồn: Vinanet