Dự báo XK nông sản năm 2013 sẽ tiếp tục gặp khó về giá và thị trường. Giải pháp mà các Hiệp hội ngành hàng nông sản XK đề ra là tiếp tục tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, khuyến khích tạm trữ cũng như kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về vốn và cơ chế.

Giá XK sẽ giảm

Theo ông Phạm Văn Bảy, Tổng thư kí Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến thời điểm này, vẫn chưa có hợp đồng XK gạo số lượng lớn nào được chuyển qua năm 2013, khó khăn của nhiều DN XK gạo hiện nay là thiếu hợp đồng với số lượng lớn, XK chủ yếu thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao. Trong khi đó, Ấn Độ và Myanmar dự báo sẽ tiếp tục cạnh tranh với Việt Nam tại thị trường gạo châu Phi, Trung Quốc.

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), năm 2013 dự kiến sản lượng gạo toàn thế giới đạt 37,5 triệu tấn gạo, tăng không nhiều so với năm 2012 nhưng là mức cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là Thái Lan sẽ khôi phục lại XK gạo, dự kiến khoảng 8 triệu tấn. Lượng tồn kho lớn này sẽ là áp lực khiến Thái Lan bán ra ở mức giá rẻ và làm suy yếu giá gạo XK. Trong khi đó, Philippines, Indonesia tuyên bố không NK gạo trong năm 2013. Động thái của 2 nước này có thể là cách để “dìm” giá gạo xuống mức thấp.

Ông Lê Minh Châu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, năm 2013, VRG đặt mục tiêu 30.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng. Sở dĩ VRG chỉ đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tương đương năm 2012 là do nhiều khả năng, giá mủ cao su tiếp tục ở mức thấp trong năm 2013.

Năm nay, VRG đặt kế hoạch giá tiêu thụ mủ cao su là 67 triệu đồng/tấn, nhưng thực tế chỉ đạt 62 triệu đồng/tấn. Do phần lớn mủ cao su, cũng như các sản phẩm của VRG đều XK, trong khi tín hiệu phục hồi của các thị trường NK chưa khả quan, nên giá XK mủ cao su có khả năng thấp hơn trung bình của năm 2012.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu thì dự báo giá tiêu sẽ giảm so với năm 2012. Theo ông Nam, do giá tiêu trong thời gian qua luôn ở mức cao nên người trồng tiêu đã lạm dụng hóa chất để tăng năng suất, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sự phát triển bền vững của cây trồng và an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới hình ảnh hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại cho hồ tiêu còn chưa được quan tâm thỏa đáng, DN chỉ quan tâm vào một số thị trường truyền thống, không mở rộng thị trường mới.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn trong năm 2013; tình hình cạnh tranh trên thị trường thủy sản thế giới dự báo sẽ tiếp tục găy gắt. Các DN thủy sản Việt Nam sẽ hết sức khó khăn để hoàn thành mục tiêu XK của năm 2013 nếu không có các biện pháp quyết liệt nhằm cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thông quá giá thành và chất lượng hàng hóa.

Tăng sức cạnh tranh

Để giảm bớt khó khăn cho ngành gạo, VFA kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại cấp quốc gia, nhất là với các nước khu vực châu Phi có nhu cầu NK gạo thường xuyên để ký kết các thỏa thuận thương mại gạo theo các hợp đồng Chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian. Nhà nước nên tạo điều kiện tín dụng thông thoáng và giảm lãi suất để giúp DN kinh doanh XK.

Bộ NN&PTNT cần định hướng cho người nông dân tăng sản lượng lúa chất lượng cao, nhất là lúa thơm để nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường cao cấp như Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, … hạn chế cạnh tranh ở thị trường giá thấp. VFA cũng đề xuất Bộ Công Thương cho phép DN được XK các loại nếp, tấm, gạo thơm vào thị trường XK gạo có hợp đồng tập trung (thị trường do VFA chỉ định đầu mối).

“Hiệp hội Hồ tiêu khuyến cáo DN và người trồng tiêu cần thực hiện việc tạm trữ. Khi giá tốt thì bán ra, khi giá thấp thì gữi lại, hợp đồng mua bán ngắn hạn và giá cả tương đối ổn làm cho các nhà NK, đầu cơ khó ép giá. Trên đây là bài học thành công của ngành hàng hồ tiêu trong năm 2012, cần duy trì và phát huy”, ông Đỗ Hà Nam cho biết

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ cho các DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi ngành nông nghiệp (cà phê, gạo, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản...) nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất và XK.

“Các DN XK thủy sản ở những nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia… được vay ngoại tệ với lãi suất rất thấp (3 - 5%/năm), trong khi đó, DN XK thủy sản Việt Nam vay tiền đồng lãi suất rất cao, 11 - 13%/năm, cho nên khả năng cạnh tranh thấp”, ông Trần Thiện Hải cho biết.  

Nguồn: Hải quan Việt Nam