Mặc dù tình hình thị trường trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, song trong năm 2012 các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, thủy sản, cà phê, điều, hạt tiêu… của Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành công đáng khích lệ.

Tốc độ phát triển ổn định, kim ngạch cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 11 tháng đầu năm 2012 đạt 25 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, thủy sản, hồ tiêu, điều… vẫn có tốc độ phát triển ổn định, thị trường xuất khẩu vẫn đạt kim ngạch cao, góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cả nước.

Với mặt hàng gạo, lượng gạo xuất khẩu 11 tháng dự kiến đạt 7,4 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng, chỉ giảm 1,4% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu gạo năm 2012 cũng có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh, gấp 6,2 lần về lượng và 5,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Năng lực sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng được ADB xếp vào vị trí top 5 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tháng 10/2012, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ nhất về xuất khẩu gạo và ngành đang nỗ lực để trong năm nay sẽ thay thế Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. VFA cũng dự kiến Việt Nam sẽ xuất được 7,534 triệu tấn gạo trong năm nay, có thể cao hơn là 7,7 triệu tấn. Như thế triển vọng năm 2012 Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nằm trong tầm tay. 

Về mặt hàng cà phê, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2012 đạt 1,56 triệu tấn, với kim ngạch 3,33 tỷ USD, tăng 42% về lượng và 37,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Đức (chiếm 12,03% thị phần) và Mỹ (12%) cũng tăng trưởng khá về lượng và giá trị. Đáng chú ý là thị trường Indonesia tăng trưởng đột biến với mức tăng gấp 8,4 lần về lượng và 8 lần về giá trị so cùng kỳ năm 2011. Theo các DN, xuất khẩu cà phê trong những tháng tới còn có thể tăng do nguồn cung tăng mạnh khi vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng cuối năm.

Mặt hàng thủy sản cũng được đánh giá khá ổn định trong năm 2012 với giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 tháng là 5,59 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2011. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Theo VASEP, dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 sẽ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tương đương năm 2011, trong đó cá tra khoảng 1,8 tỷ USD, các mặt hàng hải sản khác đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Bộ Công Thương cho biết, dự kiến vào năm 2015 ngành thủy sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD, hướng tới 10 tỷ USD vào năm 2020 và đưa ngành thành một trong những ngành chủ lực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn bền vững

Tuy mới tham gia thị trường xuất khẩu, nhưng hồ tiêu Việt Nam cũng đã nhanh chóng vào top những nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất thế giới. Hiện hồ tiêu Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng giao dịch hồ tiêu trên thế giới, vượt Ấn Độ, Brazil, Indonesia. Do thu nhập hồ tiêu vào loại cao so với nhiều loại cây trồng khác nên diện tích hồ tiêu đã tăng nhanh. Năm 2011 cả nước đạt trên 55 ngàn ha. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, nhờ thu nhập cao nên người trồng hồ tiêu đã biết giữ hồ tiêu khi giá xuống thấp và bán ra khi giá lên. Nhiều hộ trồng hồ tiêu lớn còn đăng ký mua tin của các hãng nước ngoài, trang bị Internet để lên mạng nắm thông tin hàng ngày. Vì vậy những biến động của thị trường đều được nắm bắt...

Hạt điều cũng là mặt hàng duy trì được đà tăng trưởng khá ổn định trong năm 2012, tổng khối lượng điều xuất khẩu 11 tháng đạt 203.000 tấn, kim ngạch đạt 1,365 tỷ USD, tăng 26,4% về lượng và 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việt Nam hiện vẫn tiếp tục giữ vững vị trí là nước xuất khẩu hạt điều nhân lớn nhất thế giới. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam là Mỹ, chiếm tỷ trọng giá trị 27,92%… Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2012 của Việt Nam cũng sẽ đạt 1,1 tỷ USD

Bên cạnh những thành tựu trên, trong nhiều đợt tổng kết mới đây của các ngành, hầu hết các hiệp hội đều cho biết, sang năm 2013 các ngành nông sản trên sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là sẽ phát sinh thêm những khó khăn mới.

Trong lĩnh vực gạo, đều đáng chú ý là thời gian gần đây giá tiếp tục có xu hướng giảm trong khi năng lực cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam vẫn còn thấp so với gạo của Thái Lan. Vì thế mức giá trung bình bán trên thị trường luôn thấp hơn từ 100-200 USD/tấn.

Trong lĩnh vực cà phê, nhiều thị trường cũng đã sụt giảm trong năm 2012 như thị trường Bỉ, thị trường lớn nhất cà phê của Việt Nam trong năm 2011 đã sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị trong năm 2012 (chỉ bằng gần 60% so với cùng kỳ năm trước).

Về thủy sản, dù DN có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu nhưng do khó khăn về vốn, thiếu nguyên liệu chế biến, chi phí đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ chững lại, giá xuất thấp khiến kim ngạch xuất khẩu không đạt được như mong muốn. Bộ Công Thương cho biết, sự cạnh tranh về thủy sản trên thế giới sẽ ngày càng gay gắt, Thái Lan, Indonesia đang có khuynh hướng hạ giá bán sản phẩm tôm. Các nước này cũng đang tích cực đầu tư vào việc nuôi, xuất khẩu cá tra để cạnh tranh với Việt Nam. Năm 2012 ngành chỉ có khoảng 32 doanh nghiệp trong số 160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra duy trì được sản xuất ổn định, số doanh nghiệp còn lại chỉ xuất khẩu cầm chừng.  

Hồ tiêu thì đang đối mặt với sản lượng sụt giảm vì sâu bệnh. Diện tích hồ tiêu đang tăng lên từng năm, vượt quá quy hoạch, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, khu vực chiếm 50% sản lượng hồ tiêu cả nước. Việc mở rộng diện tích và trồng không đúng kỹ thuật, giống không rõ nguồn gốc sẽ gây thiệt hại cho người trồng tiêu trong thời gian tới. Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, năng suất bình quân hồ tiêu đã giảm xuống còn 2,4 tấn/ha.

Hạt điều cũng khó khăn vì hiện giá trị giảm nên hầu hết các DN chỉ hòa vốn hoặc lỗ. Số DN nhỏ ngưng hoạt động khá nhiều, chỉ riêng Bình Phước, vùng điều lớn nhất nước, có khoảng 70% số DN liên quan đến chế biến điều phải đóng cửa, hoặc chuyển sang nghề khác. Trong khi việc xuất khẩu theo đường biên giới sang Trung Quốc bị kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế tăng cao trong khi đây là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ.

Vì vậy, theo các chuyên gia, để phát triển ổn định những sản phẩm chủ lực, ngành nông nghiệp cần một giải pháp tổng thể về quản lý, về quy hoạch để các địa phương, DN và nông dân có cơ sở đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, các biện pháp như tăng thông tin dự báo thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng liên kết với nhau, tăng gắn kết nghiên cứu ứng dụng KHCN vào trong sản xuất chế biến, tiêu thụ để tăng sức cạnh tranh… cũng nên được triển khai một cách đồng bộ. Điều quan trọng nhất trong giải pháp tổng thể trên là làm thế nào đời sống người nông dân được đảm bảo và tiến tới phát triển nền nông nghiệp xanh. Có như thế các vị trí trên của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới tiếp tục đứng vững trên trường quốc tế./.

Nguồn: Thị trường