Sản xuất dư thừa nhưng một số loại phân bón vẫn được NK ồ ạt cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch từ Trung Quốc đã đẩy các DN trong nước vào tình thế khó khăn, không cạnh tranh nổi với phân bón NK. Đề nghị dừng NK phân bón theo đường tiểu ngạch, đồng thời tìm cách mở rộng thị trường XK đang là hướng làm của không ít DN để tự “cứu” mình.

Thừa vẫn nhập  

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm, NK phân bón giảm mạnh cả lượng và giá trị. Cụ thể, ước tính khối lượng NK phân bón các loại trong tháng 5 đạt 159 nghìn tấn với giá trị 43 triệu USD, đưa khối lượng NK phân bón 5 tháng đầu năm đạt gần 1,31 triệu tấn, kim ngạch NK đạt 405 triệu USD, giảm 14,9% về lượng và giảm 35,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khối lượng NK phân urê ước đạt 27 nghìn tấn với giá trị 8,9 triệu USD, giảm 71,7% về lượng và giảm 75,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; phân SA ước đạt 396 nghìn tấn với giá trị NK 55 triệu USD, giảm 1,8% về lượng nhưng giảm tới 32,9% về giá trị. Nguồn phân bón NK chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới 45,3% tổng kim ngạch NK.

Phát biểu tại hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định 202/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững mới đây, ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: Hiện nay, sản xuất trong nước đã đáp ứng được 100% nhu cầu về phân ure, phân lân chế biến, phân NPK, thậm chí nhiều DN còn có số lượng tồn kho lớn kéo dài từ năm này qua năm khác. Đối với riêng Vinachem, tập đoàn đã sản xuất được khoảng 5 triệu tấn phân bón/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu phân bón có chất lượng tốt cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Trong đó, đáp ứng 100% nhu cầu phân lân chế biến với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn/năm, đáp ứng 50% nhu cầu phân urê với sản lượng 1,15 triệu tấn/năm và đáp ứng 60% nhu cầu phân DAP với sản lượng 660 nghìn tấn/năm và trên 2 triệu tấn phân NPK.

Theo ông Nguyễn Gia Tường, mặc dù kim ngạch NK phân bón đã giảm, song các DN trong nước vẫn chịu tác động rất lớn và khó cạnh tranh với phân bón NK, đặc biệt là phân bón NK từ Trung Quốc. Đó là do hiện tại, phân bón chủ yếu được NK từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hình thức NK này rất khó kiểm soát về chất lượng về thuế nên dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại, trà trộn phân chất lượng thấp, gây ra cạnh tranh không bình đẳng với phân sản xuất trong nước.

Tìm đường XK

Ông Nguyễn Gia Tường cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, Vinachem kiến nghị tạm dừng hoạt động NK phân bón biên mậu; tăng thuế suất thuế NK phân urê, DAP, NPK lên mức cao nhất theo các cam kết thương mại ký giữa Việt Nam và các nước; tăng cường các biện pháp quản lý thị trường phân bón trong nước, đặc biệt đối với phân bón NK. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo các lợi ích của nông dân khi thực hiện chính sách hạn chế NK phân bón, yêu cầu các đơn vị sản xuất phân urê, DAP, NPK phải đăng ký giá bán với cơ quan quản lý giá theo quy định để theo dõi, giám sát.

Mong muốn tự tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ phân bón, vài năm gần đây, một số DN trong ngành cũng đã chủ động tìm đường XK. Điển hình như Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đặt kế hoạch năm 2014 sẽ XK khoảng 100.000 tấn phân bón sang Campuchia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc... Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) cũng đã tiến hành xúc tiến thương mại nhiều năm qua và đến nay đã thành lập được các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar. Với thị trường Myanmar, năm 2014, PVFCCo đặt mục tiêu sẽ XK với số lượng lớn bởi tổng lượng cầu đối với urê của Myanmar vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sẽ còn tăng trong những năm tới.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, XK phân bón là một hướng mở cho các DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thị trường XK phân bón của Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm phân bón của các nước trong khu vực và thế giới. Bởi vậy, mỗi DN sản xuất phân bón cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, có chiến lược xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN cũng phải tăng cường hợp tác, liên kết với nhau, tạo ra sự đoàn kết, đồng bộ, nhằm đảm bảo được lợi ích cộng đồng DN cả ở thị trường trong nước cũng như XK.

Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn: Hải quan Việt Nam