Từ trước đến nay, gạo Việt Nam vẫn có giá bán thấp hơn gạo Thái Lan, tuy nhiên theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gần đây khoảng cách này ngày càng cách ra. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp hơn cả gạo của Pakistan, mặc dù chất lượng gạo Việt Nam được công nhận tốt hơn gạo Pakistan.

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn Agroinfo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nếu như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2009 ở mức 413 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 355 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, thì giá trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009, còn 392,94 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 340,39 USD/tấn (gạo 25% tấm).

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái Lan trong tháng 8 là 524,56 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 432,06 USD/tấn (gạo 25% tấm). Điều đáng nói là lượng gạo chất lượng cao mà Việt Nam đã xuất khẩu hồi đầu năm tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trung bình vẫn giảm.

Chính vì thế, từ đầu năm nay đến hết ngày 27/8, Việt Nam đã ký xuất khẩu 5.632 triệu tấn gạo, tăng 66,58% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 1.834 tỉ USD, giảm 3,64%. Theo VFA, cảnh “mạnh ai nấy bán” vẫn diễn ra khá phổ biến giữa các doanh nghiệp chế biến kinh doanh gạo hiện nay.

Chính vì vậy mới có tình trạng một số doanh nghiệp trong nước bị thương nhân nước ngoài ép giá; một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh theo thời vụ, không có kho chứa, nên đã cố tình chào bán với giá thấp làm ảnh hưởng tới mặt bằng giá xuất khẩu chung.
Một nguyên nhân khác là chất lượng, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam không đồng nhất. Khâu tổ chức thu mua cũng nhiều bất ổn khiến giá lúa gạo lên xuống thất thường, gạo khi thừa, khi thiếu. Có lúc nhu cầu thế giới tăng cao, Việt Nam lại không có gạo để xuất.
Các chuyên gia nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng ta cần phải sửa đổi rất nhiều, đặc biệt ở khâu tổ chức và điều hành sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công Thương đã cùng với các địa phương, hiệp hội xây dựng dự thảo nghị định về xuất khẩu gạo trình Chính phủ thông qua. Nghị định này sẽ đơn giản hóa hơn nữa thủ tục xuất khẩu gạo, đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất nhưng sẽ không áp đặt, chỉ quy định những thỏa ước giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để đảm bảo quyền lợi chung.
Dự thảo xác định quản lý thống nhất hoạt động xuất khẩu gạo thông qua cơ chế cấp phép kinh doanh, gắn kết quyền lợi xuất khẩu của thương nhân tham gia hoạt động xuất khẩu gạo với nghĩa vụ tham gia tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân và tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết thông qua sự điều phối của VFA; thiết kế cơ chế để các quyết định liên quan tới hoạt động xuất khẩu gạo theo từng cấp độ được đưa ra từ đúng cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, Nghị định có các chương quy định về điều kiện được kinh doanh xuất khẩu gạo với yêu cầu doanh nghiệp phải có cơ sở xay xát, kho chứa gạo… theo quy định. Bộ Công Thương sẽ là cơ quan thẩm định và cấp phép, gia hạn giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Chương về điều hành xuất khẩu gạo có quy định cụ thể về việc ký kết và các điều khoản về vi phạm cũng như mức độ xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, quy định là một chuyện, nhiều ý kiến cho rằng sự linh hoạt trong điều hành cũng như cung cấp thông tin, chính xác, kịp thời của cơ quan quản lý và VFA mới là điều các doanh nghiệp cần hơn cả.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày