Mặc dù giành thắng lợi giòn giã trong năm 2014 khi kim ngạch XK lần đầu tiên xấp xỉ đạt 8 tỷ USD, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, 2015 sẽ là năm ngành thủy sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là về thị trường.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bước sang năm 2015, ngành Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2014; giá trị XK đạt 8,5 tỷ USD, tăng 10,7%. Tôm nước lợ và cá tra vẫn tiếp tục được xác định là mặt hàng nuôi chủ lực. Trong đó, sẽ tăng diện tích và sản lượng nuôi tôm chân trắng, phát triển nuôi cá rô phi, đa dạng hóa nuôi cá nước ngọt và vùng lợ mặn.

Theo bà Trần Bích Nga - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT, mặc dù năm qua XK thủy sản đạt kết quả tốt nhưng điều đáng lưu ý trong năm 2015 là thủy sản Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn tại hầu hết các thị trường lớn. Bà Nga phân tích, tại thị trường EU, năm 2014 không ít lần các DN XK thủy sản bị cảnh báo các vấn đề liên quan tới sản phẩm XK còn chứa dư lượng kháng sinh, sản phẩm mạ băng, tình trạng gian lận trong ghi nhãn hàng... Ngày 10-12 vừa qua, EU còn gửi cảnh báo nếu DN không nghiêm túc xem xét nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục hậu quả hợp lý, rất có thể EU sẽ dừng NK thủy sản tại các DN còn sai phạm và thậm chí xa hơn là “cấm cửa” đối với sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam nói chung.

“Mặc dù chưa có những động thái nhắc nhở quyết liệt như EU nhưng tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện thủy sản Việt Nam cũng đang bị cảnh báo có chứa kháng sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Riêng tại thị trường NK thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, việc Đạo luật Nông trại được thông qua, dự kiến áp dụng trong tháng 4-2015 có những điều khoản rất bất lợi cho cá tra Việt Nam XK vào Mỹ”, bà Nga nói.

Kiểm soát chất lượng

Nhiều chuyên gia cho rằng, xét tới cùng cái khó của thị trường thủy sản Việt Nam sâu xa vẫn bắt nguồn từ chính những yếu kém nội tại, nhất là những bất cập trong nuôi trồng khiến chất lượng sản phẩm XK không đảm bảo.

Ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận: Ngay cả trong năm 2014, mặc dù đạt được nhiều thắng lợi, song công tác kiểm soát chất lượng giống, vật tư đầu vào còn hạn chế, gây nguy cơ mất an toàn, giảm hiệu quả sản xuất. Chất lượng sản phẩm thủy sản cả khai thác và nuôi trồng chưa ổn định, tồn dư kháng sinh còn cao nhất là trong tôm nuôi nước lợ chưa được kiểm soát tốt, nguy cơ bị rào cản thị trường XK gia tăng. Và đây vẫn là những thách thức lớn trong năm 2015.

Bà Nga kiến nghị, năm tới, ngành thủy sản muốn vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu XK đặt ra, Tổng cục Thủy sản phải kiểm soát mạnh tay việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong cơ sở nuôi trồng thủy sản, làm rõ trách nhiệm trong kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở nuôi, việc sử dụng kháng sinh. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa năng lực cán bộ cấp Cục, đào tạo cán bộ cấp địa phương, làm rõ trách nhiệm giữa lực lượng cán bộ của Tổng cục và lực lượng cán bộ bên Cục Thú y về trách nhiệm kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; thực hiện tốt Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về XK cá tra cũng như Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, trong 2015, thực hiện đúng theo tinh thần chủ đề “Năm vệ sinh an toàn sản phẩm nông nghiệp” của toàn ngành, Tổng cục Thủy sản sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, ngao; kiểm tra sát sao các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, kháng sinh, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và con giống. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tăng cường hướng dẫn, giám sát sử dụng hợp lý kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm nước lợ và cá tra. “Về các thị trường XK thủy sản, định hướng của Bộ là sẽ cố gắng giữ vững các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản..., đồng thời tích cực xúc tiến thương mại để thúc đẩy XK sang các thị trường mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm ngoái. Giá trị XK đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18% so với năm ngoái và vượt 11,6% so với kế hoạch.

Thắng lợi trong XK thủy sản chủ yếu nhờ vào mặt hàng tôm. Năm 2014, sản lượng tôm tăng, nuôi tôm cả nước có sự phát triển vượt bậc. Sản lượng nuôi tôm nước lợ tăng thêm 112.000 tấn so với năm 2013, chủ yếu do sản lượng tôm chân trắng tăng (tôm chân trắng chiếm 56,9% trong tổng sản lượng tôm nuôi). Với sản lượng nguyên liệu tăng, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm tôm vẫn lớn giúp XK tôm tiếp tục tăng về giá trị kim ngạch XK, đạt 4 tỷ USD.

Nguồn: baohaiquan.vn

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam