(VINANET) - Trái ngược với đà suy giảm từ tháng đầu năm, sang tháng 2/2014, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng so với tháng 1, tăng 17,4%, đạt 238 triệu USD, nâng kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc hai tháng 2014 lên 439,4 triệu USD, tăng 22,01% so với cùng kỳ.

Các thị trường cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam là Achentina, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Italia, Trung Quốc, Indonesia…. trong đó Achentina là thị trường chính, chiếm 34,9%, tương đương với 153,4 triệu USD, tăng 292,99% so với 2 tháng 2013; kế đến là Hoa Kỳ với 153,4 triệu USD, tăng 82,34%. Tuy đứng thứ ba, nhưng nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ lại giảm kim ngạch, giảm 70,67%, tương đương với 40,4 triệu USD.

Ngoài ba thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu từ các thị trường khác, trong đó nhập khẩu từ thị trường Canada có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tuy kim ngạch chỉ đạt 10,8 triệu USD, nhưng tăng 1471,88%; có tốc độ tăng trưởng lớn thứ hai là Oxtraylia, tăng 584,74%, đạt 3,6 triệu USD và Nauy tăng 340,67%, đạt 142,1 nghìn USD.

Đáng chú ý, nhập khẩu mặt hàng này hai tháng đầu năm nay có thêm thị trường Niuzilan, với kim ngạch 118,6 nghìn USD.

Nhìn chung, 2 tháng 2014, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ các thị trường có tốc độ tăng trưởng dương chiếm 34%.

Như vậy, việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu khiến cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục biến động, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành chăn nuôi. Đây là một nghịch lý mà cần có lời giải để ngành chăn nuôi nước ta phát triển bền vững.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đó, trong số 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tiêu thụ mỗi năm thì lượng nhập khẩu chiếm tới trên 70%, tương đương 9 triệu tấn. Thậm chí, hàng năm, số tiền nhập khẩu nguyên liệu TĂCN còn nhiều hơn giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo.

Theo Hiệp hội TĂCN Việt Nam, trong số các nguyên liệu sản xuất TĂCN thì Việt Nam mới chủ động được cám gạo còn các nguyên liệu khác phần lớn phụ thuộc nhập khẩu. Cụ thể, năm 2013, trong số 9 triệu tấn nguyên liệu nhập dùng để sản xuất TĂCN thì phải nhập khẩu 4 triệu tấn khô dầu đậu tương, 1,9 triệu tấn ngô và các thành phần khác như: cám gạo, bột xương cá, bột mỳ...

Riêng năm 2013, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu đạt khoảng 4 tỉ USD. Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong 2 năm tới, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng này trung bình vẫn tăng 20% mỗi năm.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc phụ thuộc nhập khẩu là do Việt Nam chưa sản xuất được những thức ăn bổ sung. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trong nước cũng đang có sự mất cân đối. Theo đó, do tập trung đầu tư sản xuất nên có năm, thóc, gạo xuất khẩu tiêu thụ khó khăn nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập hàng triệu tấn ngô, đỗ tương… do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam (kinh doanh cám gạo để sản xuất TĂCN) cho rằng: “Nguồn cung nguyên liệu trong nước quá ít khiến nhiều doanh nghiệp phải nhập. Chính vì vậy, Nhà nước, doanh nghiệp phải làm việc với nhau để có những chính sách khuyến khích nông dân sản xuất quy mô lớn, tạo nguồn cung ổn định, có chất lượng thì mới tránh được tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay”.

Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ khuyến khích mở rộng diện tích trồng đậu tương, ngô… trong nước để giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sớm ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất cây trồng. Theo Hiệp hội TĂCN, diện tích trồng đậu tương cả nước hiện có gần 100.000 ha nhưng năng suất rất thấp, chỉ đạt 1- 1,2 tấn/ha. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đạt năng suất 4- 4,5 tấn/ha. Tương tự, diện tích trồng ngô ở mức trên 1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha, trong khi các nước khác từ 8 tấn/ha trở lên.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phát triển các giống vật nuôi sử dụng nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước. Ví dụ như phát triển đàn gia cầm thì có thể tận dụng nguồn thóc, gạo tại chỗ. Trong đó, thức ăn cho vịt có thể sử dụng tới 60% là thóc.

Bộ NN&PTNT cũng định hướng chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng ngô. Dự định sẽ chuyển 2 triệu ha sang trồng ngô nhưng cũng khó khăn vì không phải vùng nào cũng trồng được ngô. Theo Cục Trồng trọt, trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, Cục Trồng trọt đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,5- 2 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm. Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, có thể chuyển một phần diện tích lúa vụ đông xuân sang chuyên canh ngô.

Về thức ăn xanh cho đại gia súc, Cục Trồng trọt cho biết, các địa phương có nhu cầu thức ăn xanh sẽ mở rộng diện tích trồng cỏ ở vùng miền núi, nơi hoang hóa, tận dụng triệt để đất lúa, đất rừng kém hiệu quả. Thức ăn xanh có thể đa dạng hóa từ trồng cỏ đến trồng ngô dày, ngô nếp, ngô rau; hoặc đưa công nghệ vào chế biến rơm rạ, thân ngô, bã mía làm thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi bò sữa, đại gia súc.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để xây dựng được vùng nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Nhà nước cần sớm có các hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng. Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến TĂCN phải là cầu nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ để người trồng có thể hoàn toàn yên tâm sản xuất.

Ngoài ra, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu các công thức phối trộn thức ăn phù hợp điều kiện chăn nuôi nước ta, sớm đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất; khuyến khích chế biến bột cá; khuyến khích nghiên cứu tạo nguyên liệu mới như: thức ăn bổ sung, thức ăn phụ gia.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng 2014 – ĐVT: USD

Thị trường
KNNK 2T/2014
KNNK 2T/2013
% so sánh
Tổng KN
439.468.904
360.187.615
22,01
Achentina
153.414.933
39.037.887
292,99
Hoa Kỳ
67.981.924
37.282.181
82,34
Ấn độ
40.447.794
137.892.627
-70,67
Italia
33.469.524
15.271.303
119,17
Trung Quốc
23.411.777
35.429.344
-33,92

Indonesia

22.795.703
10.560.099
115,87
Thái Lan
12.549.792
13.577.260
-7,57
Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất
11.852.493
13.242.243
-10,49

Canada

10.821.500
688.441
1.471,88
Đài Loan
7.182.377
6.128.066
17,20
Hàn Quốc
3.810.663
3.697.077
3,07
Oxtrâylia
3.668.868
535.803
584,74
Malaixia
3.668.527
4.664.881
-21,36
Chilê
3.171.242
1.383.471
129,22
Xingapo
3.081.188
2.480.129
24,23
Pháp
2.987.870
2.559.552
16,73
HàLan
2.719.297
2.369.954
14,74
Tây Ban Nha
2.170.851
2.911.743
-25,44
Philipin
2.009.076
6.266.067
-67,94
Bỉ
1.379.678
728.772
89,32
Nhật Bản
1.294.740
434.738
197,82
Đức
1.059.912
629.177
68,46
Áo
503.069
379.095
32,70
Anh
369.219
1.204.285
-69,34
Mêhico
182.418
211.088
-13,58
Nauy
142.102
32.240
340,76

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/Báo tin tức

Nguồn: Vinanet