THƯƠNG MẠI THỦY SẢN - Số 179 | Tháng 11/2014

Thủy sản hữu cơ ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường EU, hiện bao gồm cá hồi, cá hồi vân (Trout), cá ché và các loài nhiệt đới như tôm, cá tra và cá rô phi. Dự đoán, thi trường cho thủy sản hữu cơ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.

Tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tại EU tăng tiếp 6% và đạt tổng giá trị 23 tỷ euro vào năm 2012. EU đã ban hành quy định hữu cơ đối với các sản phẩm nuôi trồng thủy sản (NTTS) từ năm 2010. Chứng nhận hữu cơ không áp dụng đối với thủy sản khai thác. Người mua mong muốn thủy sản hữu cơ ít nhất phải có chất lượng tương đương với các sản phẩm thủy sản truyền thống. Do đó, các yêu cầu liên quan tới màu sắc, hương vị và cơ thịt cũng tương tự như các sản phẩm thủy sản truyền thống.

Yêu cầu từ phía khách hàng

Các yêu cầu pháp lý bắt buộc

Chứng nhận hữu cơ

Sản xuất hữu cơ là hình thức tự nguyện, tuy nhiên nếu được áp dụng, nó phải phù hợp với luật pháp EU về sản xuất hữu cơ và việc dán nhãn các sản phẩm hữu cơ. Yếu tố quan trọng nhất trong quy định có liên quan đến các nguồn nguyên liệu đầu vào (giống và thức ăn hữu cơ), mật độ thả nuôi và địa điểm đặt hệ thống sản xuất.

Tuân thủ Luật Thực phẩm EU và khả năng truy xuất nguồn gốc

Luật Thực phẩm EU là cơ sở pháp lý cho lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) tại EU. Ngoài ra, còn có các luật khác liên quan tới vệ sinh và việc sử dụng các chất bị cấm như hoóc-môn và thuốc trừ sâu.

Truy xuất nguồn gốc được EU định nghĩa là khả năng theo dõi và nhận diện các thực phẩm thủy sản hữu cơ trong toàn bộ quá trình: sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm.

Các công ty EU kinh doanh thủy sản hữu cơ phải cung cấp thông tin về nhà cung cấp và người mua từng lô sản phẩm thủy sản hữu cơ.

Các công ty tại EU phải có hệ thống thông tin đầy đủ về truy xuất nguồn gốc để có thể xác minh địa điểm và cách thức sản xuất và chế biến một sản phẩm thủy sản hữu cơ tại nước thứ ba. Do đó, các nhà XK thuộc các nước đang phát triển cần phải chú trọng tới khả năng truy xuất nguồn gốc.

Kiểm soát về vệ sinh sức khỏe

Thủy sản đông lạnh hữu cơ NK vào EU phải tuân thủ các yêu cầu về sức khỏe chung như sau:

- Chứng nhận sức khỏe quốc gia: Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng (DG SANCO) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng quy trình đánh giá việc tuân thủ các Điều kiện Sức khỏe cộng đồng và Động vật của EU tại nước XK.

- Các cơ sở được phép: Thủy sản hữu cơ chỉ được NK vào EU nếu được chế biến và sơ chế tại các cơ sở nằm trong danh sách được DG SANCO chấp thuận. Cơ quan có thẩm quyền tại nước XK có trách nhiệm phê duyệt cho công ty của nước đó. Nếu được phép, công ty sẽ được EU cấp một mã số, mã này sẽ được ghi trên nhãn hàng hóa.

- Chứng thư vệ sinh (Health Certificate) : NK thủy sản hữu cơ vào EU phải có chứng thư vệ sinh do cơ quan có thẩm quyền tại nước XK cấp. Thực tế, rất nhiều mẫu chứng thư vệ sinh được áp dụng, tùy thuộc vào danh mục sản phẩm, loài hoặc các điều kiện vệ sinh đặc biệt.

- Kiểm soát vệ sinh và sức khỏe: Khi thâm nhập vào thị trường EU, các sản phẩm thủy sản hữu cơ và các chứng nhận đi kèm phải được các cán bộ thú y thanh kiểm tra.

Kiểm soát chất gây ô nhiễm và dư lượng thuốc thú y

Khác biệt quan trọng nhất giữa sản xuất hữu cơ và truyền thống là việc sử dụng các hóa chất cho phép trong quá trình nuôi và mức dư lượng nào được phép tại EU. NK thủy sản hữu cơ vào EU cần tuân thủ luật pháp EU nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn cho tiêu thụ và không chứa chất gây ô nhiễm, hóa chất và dư lượng ở mức gây hại cho sức khỏe con người.

Các yêu cầu chung

Các tiêu chuẩn ATTP

Tại EU, các tiêu chuẩn ATTP quan trọng nhất là BRC (của Tập đoàn Bán lẻ Anh) và IFS (Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế), nhất là khi cung cấp sản phẩm cho các nhà bán lẻ lớn tại EU.

BRC được thiết lập ở Anh và đã trở thành một yêu cầu của người mua đối với các nhà bán lẻ và các cơ sở dịch vụ thực phẩm lớn tại Bắc Âu. Tại Nam Âu, một số công ty cũng yêu cầu công ty XK phải được chứng nhận BRC.

IFS do các nhà bán lẻ Đức và Pháp thiết lập nhằm đảm bảo mức ATTP và chất lượng thực phẩm phù hợp cùng các dịch vụ liên quan. Các nước tại Nam Âu lại chú trọng tới IFS hơn BRC.

Thực hành Nông nghiệp Tốt (G.A.P)

GlobalG.A.P là một chương trình chứng nhận giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Nhiều nhà sản xuất cá tra, cá rô phi và tôm nhiệt đới được chứng nhận GlobalG.A.P. Năm 2013, GlobalG.A.P và Hội đồng Quản lý NTTS (ASC) bắt đầu phối hợp nhau để hài hòa hóa các yêu cầu.

Yêu cầu từ các mảng thị trường riêng

Chứng nhận bền vững

Chứng nhận bền vững không thật sự cần thiết nếu một công ty đã cung cấp các sản phẩm thủy sản hữu cơ sang thị trường EU, hoặc đã đạt được một trong các chứng nhận hữu cơ.

Thương mại

Nhập khẩu

NK các sản phẩm thủy sản hữu cơ đang tăng lên, chủ yếu là tôm từ Êcuađo, Mađagaxca, Bănglađét, Thái Lan, Inđônêxia và Việt Nam, cá rô phi từ Trung Mỹ và cá tra từ Việt Nam.

Nhìn chung, thị trường thủy sản hữu cơ EU bị chi phối bởi 4 nước: Đức, Anh, Pháp và Ý, chiếm gần 75% nhu cầu của EU năm 2012, trong đó Đức là thị trường lớn nhất.

Giá NK thực phẩm hữu cơ thường cao hơn gần 20% so với giá các sản phẩm truyền thống (trừ cá hồi). Giá cho tôm hữu cơ vẫn duy trì ở mức cao.

Xuất khẩu

EU không nuôi được các loài hữu cơ nhiệt đới, do đó tất cả mặt hàng thủy sản đông lạnh hữu cơ XK có xuất xứ nhiệt đới đều là tái xuất.

Sản xuất

Sản lượng NTTS hữu cơ hiện đang tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM), sản lượng NTTS hữu cơ toàn cầu đạt 50.000 tấn năm 2009 và tăng lên 150.000 tấn vào năm 2012. Doanh thu thậm chí tăng gấp 4 lần từ khoảng 230 triệu euro năm 2009 lên hơn 1 tỷ euro năm 2013.

Các loài nước lạnh như cá hồi, cá hồi vân và cá chép được nuôi và chứng nhận hữu cơ trong khối EU. Các loài nhiệt đới nuôi tại các nước đang phát triển và được NK vào EU.

Tôm và cá hồi là hai loài có doanh thu lớn nhất. cá chép và cá hồi vân có số lượng cơ sở nuôi, nhiều nhất. Các loài khác được chứng nhận hữu cơ bao gồm cá tráp, cá chẽm, cá tra, cá rô phi và cá tầm. Sản xuất vẹm hữu cơ cũng là một xu hướng mới nổi.

Năm 2012, sản lượng tôm hữu cơ là 25.000 tấn và đang tiếp tục tăng. Tôm chân trắng hữu cơ chủ yếu có nguồn gốc từ Êcuađo, còn nguồn cung tôm sú trải rộng từ Bănglađét tới Mađagaxca, Ấn Độ, Inđônêxia và Việt Nam.

Tiêu thụ

Khối EU-27 vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản hữu cơ lớn nhất. Pháp, Đức và Anh là những thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhất, đặc biệt là đối với cá hồi Đại Tây Dương và tôm. Tuy nhiên, thị trường châu Á cũng đang phát triển nhanh chóng. Malaixia nổi tiếng là một thị trường sôi động cho các sản phẩm thủy sản hữu cơ. Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh trong sản xuất thủy sản hữu cơ.

Mặc dù tại nhiều nước, thị trường cho thủy sản hữu cơ chỉ đang trong giai đoạn manh nha, tại các thị trường phát triển như Đức, Anh, Pháp và Thụy Sỹ, thủy sản hữu cơ đã đạt tới ngưỡng của giai đoạn tăng trưởng (ít nhất là đối với cá hồi và cá hồi vân). Số lượng các nhà sản xuất và khối lượng tiêu thụ tăng vọt, cạnh tranh ngày càng gia tăng và giá đang có xu hướng chững lại.

Các kênh và phân khúc thị trường

Nếu như trước đây, các sản phẩm hữu cơ chủ yếu được bán tại các cửa hàng bán lẻ chuyên doanh (chuyên về mặt hàng cụ thể) thì hiện nay hầu hết các nhà bán lẻ chính thống, và thậm chí cả các cửa hàng giảm giá tại Đức, cũng đã cung cấp nhiều loại sản phẩm hữu cơ. Mặc dù tại Pháp và Đức, thị phần của các nhà bán lẻ chính thống chỉ khoảng 50%, thị phần này tại các nước khác như Thụy Điển, Ai-xơ-len và Đan Mạch đạt hơn 70%.

Các nhà bán lẻ lớn thường tìm kiếm các sản phẩm NTTS hữu cơ từ các nhà cung cấp thông thường. Các nhà NK chính thống thường tìm kiếm từ các nhà sản xuất và chế biến NTTS hữu cơ khép kín lớn. Mặt khác, để tiết kiệm chi phí, các nhà NK chính thống cũng mua các sản phẩm hữu cơ từ các nhà NK chuyên doanh.

Các chuỗi bán lẻ hữu cơ chuyên doanh chủ yếu tìm kiếm các sản phẩm NTTS hữu cơ từ các nhà NK chuyên doanh. Các chuỗi cung cấp này thường được xây dựng dựa trên mối quan hệ tin tưởng lâu dài với mức độ minh bạch cao về gia tăng giá trị, chi phí và ấn định giá.

Thương nhân chuyên doanh thường tin tưởng vào các mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp và sản xuất tại các nước đang phát triển. Các công ty này thường tìm kiếm các đối tác nhằm hợp tác đầu tư về sản xuất hữu cơ và cam kết thực hiện thành công các dự án.

Nguồn: Vietfish

Nguồn: Internet