• 4.740 là số lao động của Việt Nam sang Nhật Bản trong 10 tháng năm 2009, đạt 79% kế hoạch. Năm 2009, Việt Nam dự kiến sẽ đưa 6.000 lao động sang thị trường này.
  • Chủ tịch Hội mỹ nghệ & chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) ký văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu gỗ nhóm 44.07 từ 10% xuống 0%.
  • Bộ Công Thương đã có quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi có mã HS.7005.29.90.00 và 7005.21.90.00 trên cơ sở đơn yêu cầu của Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG).
  • Sản xuất giày dép các loại trong tháng 10 chỉ đạt 32,5 triệu USD, bằng 82% sản lượng tháng 10/2008. Tính chung 10 tháng năm 2009, sản lượng toàn ngành đạt 269,1 triệu đôi, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý xuất khẩu các mặt hàng giày dép 10 tháng chỉ đạt kim ngạch 3,21 tỷ USD, giảm tới 16% sovới cùng kỳ năm ngoái. So với mục tiêu xuất khẩu 4,77 tỷ USD trong năm 2009, hiện nay ngành da giày cả nước mới chỉ đạt được 2/3 kế hoạch năm.
  • Cục Bảo vệ thực vật đang tiến hành các thủ tục để xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc. Dự kiến tháng 12/2009 đại diện Cục Bảo vệ Thực vật sẽ sang Hàn Quốc để thông thị trường này với loại trái cây đầu tiên là thanh long.
  • 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam thống nhất sẽ tập trung bán hàng theo phương thức giao ngay, kiên quyết không bán thep phương thức trừ lùi (kỳ hạn), vì bán trừ lùi sẽ gặp rủi ro cao. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc bán hàng quá nhiều lúc đầu vụ dễ dẫn đến giá thấp và khó khăn trong việc chế biến, vận chuyển. Các doanh nghiệp cũng thống nhất về giá mua cà phê nội địa, để tránh tình trạng tranh mua tranh bán như các niên vụ trước.
  • Kể từ ngày 17/11, giá bán thép cáloại lên 200.000 đ/tấn. Cụ thể, giá thép cuộn giao tại nhà máy (chưa tính GTGT) giữ mức 11,02 triệu đồng/tấn, thép cây 11,59 triệu đồng/tấn. Đây là lần tăng giá bán thép đầu tiên trong tháng 11-2009 (sau 3 lần giảm giá diễn ra trong tháng 10) là do tỷ giá ngoại tệ biến động, doanh nghiệp phải cân đối lại nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
  • Theo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, đến nay có khoảng 2.400 lao động ở các huyện nghèo thuộc 9 tỉnh đăng ký xuất khẩu lao động. Trong số đó đã có khoảng 1.800 người trúng tuyển.
  • Tiếp tục cho xuất khẩu cát không thuộc loại cát xây dựng. Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 8176/VPCP-KTN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo  Tổng cục Hải quan giải quyết ngay các thủ tục XK cát không phải là cát xây dựng (cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc) theo hợp đồng XK đã ký kết. Phó thủ tướng cũng yêu cầu từ tháng 6-2010 dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn.
  • Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản sang Ba Lan đều giảm so với cùng kỳ, cụ thể: mặt hàng gạo giảm 71%; thuỷ sản giảm 40%; chè giảm 38%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 36%; hạt tiêu giảm 1%; so với cùng kỳ năm 2008.
  • Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Indônêsia giảm 12%, tuy nhiên một số mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn đạt được trị giá khá cao và tăng so với cùng kỳ năm 2008: thuỷ sản; cao su; cà phê. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu chè và thuỷ sản tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm 2009, tăng lần lượt 88% và 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Nguồn: Vinanet