Tiềm năng lớn của xuất khẩu dệt may xuất phát từ nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, thị trường rộng mở, nhất là tới đây Việt Nam gia nhập TPP.
Tiềm năng, ưu thế của xuất khẩu dệt may được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau.
Dệt may là mặt hàng sớm đạt được kim ngạch 1 tỷ USD trở lên ngay từ năm 1996 - cách đây 18 năm, chỉ sau mặt hàng dầu thô (đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên từ năm 1995). Mặt hàng này cũng sớm đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD từ năm 2002, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD năm 2003, đạt trên 4 tỷ USD vào năm 2004, đạt trên 5 tỷ USD vào năm 2006, đạt trên 7 tỷ USD vào năm 2007, đạt trên 9 tỷ USD vào năm 2008, đạt trên 11 tỷ USD vào năm 2010, đạt trên 14 tỷ USD vào năm 2011, trên 15 tỷ USD vào năm 2012, đạt trên 17 tỷ USD vào năm 2013. Thời gian để tăng thêm 1 tỷ, 2 tỷ, 3 tỷ USD ngày một ngắn lại.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may đã vượt qua dầu thô lên đứng đầu trong các mặt hàng ngay trong 2 năm (1997, 1998) sau khi đạt được trên 1 tỷ USD và trở lại liên tục dẫn đầu từ năm 2009 đến năm 2012, chỉ nhường vị trí đứng đầu này cho mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện từ năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2013 cao gấp 251,4 lần năm 1986, bình quân tăng 21,8%/năm, cao hơn các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong cùng thời gian (167,5 lần và 20,1%/năm). Đây là tốc độ tăng cao, gần như liên tục, trong thời gian dài mà các mặt hàng khác cũng như tổng số đạt được trong thời gian tương ứng.
Về thị trường xuất khẩu, mặt hàng dệt may của Việt Nam đã có mặt ở hàng trăm nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có khoảng 50 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD, với 16 thị trường đạt trên 100 triệu USD.
Chỉ với 10 thị trường trên, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt gần 15,5 tỷ USD, chiếm 86,3% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Các thị trường trên cũng chiếm tỷ trọng lớn đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam, như Hoa Kỳ chiếm 48%, Nhật Bản chiếm 13,3%, Hàn Quốc chiếm 9,1%.
Bốn tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tăng 20%, cao hơn tốc độ tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (16,9%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nay có thể đạt kỷ lục mới, có thể vượt qua 20 tỷ USD, cao hơn kỷ lục đã đạt được vào năm trước (trên 17,9 tỷ USD). Nếu dự báo đó là đúng thì năm 2014 sẽ có hai mặt hàng là điện thoại và linh kiện, dệt may có kim ngạch vượt 20 tỷ USD.
Tiềm lực xuất khẩu dệt may còn rất lớn.
Về nguồn hàng xuất khẩu, dệt may chiếm 13,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chỉ đứng sau kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện (chiếm gần 16,1%). Sản xuất dệt may của cả nước hiện có gần 7.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn cơ sở kinh tế tập thể, tổ sản xuất, hộ gia đình và cá thể. Ngành này đã thu hút trên 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hàng triệu lao động ở các cơ sở khác. Giá trị sản xuất tính theo giá thực tế của ngành Dệt may chiếm khoảng 8,3% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, lớn thứ hai sau ngành sản xuất chế biến thực phẩm. Trong hai khu vực, kinh tế trong nước chiếm 40,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 59,6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đó là tỷ trọng rất cao, có thể ít người ngờ tới. Điều đó được lý giải do các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng lực lượng lao động dồi dào, giá cả còn rẻ để đạt được mục tiêu lợi nhuận đầu tư của mình. Nếu tính trực tiếp thì ngành dệt may đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.
Tiềm năng về thị trường còn có điều kiện rộng mở. Chỉ riêng về các nước trong TPP, xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2013 vào 11 nước này đạt 11684 triệu USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào TPP. Tỷ trọng xuất khẩu dệt may trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường TPP đạt khá cao, như Hoa Kỳ 36%, Canada 25,2%, Nhật Bản 17,4%, Chile 14%, Mexico 9,8%... Nếu Việt Nam gia nhập TPP thì tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào TPP sẽ được hưởng lợi về thuế xuất.
Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Trước hết là tính gia công còn lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển. Mặc dù, nếu tính trực tiếp, thì ngành này đã chuyển từ nhập siêu samg xuất siêu, nhưng kim ngạch nhập khẩu các nguyên vật liệu, phụ liệu trực tiếp (cho cả việc sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước và sản xuất sản phẩm cho cả xuất khẩu) vẫn còn khá lớn. Trong năm 2013, nhập khẩu bông 1.172 triệu USD, xơ sợi các loại 1.517 triệu USD, vải các loại 8340 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày 3.779 triệu USD, cộng 14.808 triệu USD, chiếm 82,6% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Đó là chưa kể một số hoá chất, một số loại dầu...; nhưng cũng cần trừ ra một số loại khác như xơ sợi dệt các loại (đang xuất siêu vì xuất khẩu mặt hàng này lên đến 2.149 triệu USD), trong nguyên phụ liệu có cả số phục vụ sản xuất, xuất khẩu giày dép...
Hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Dệt may còn thấp, do hiệu quả đầu tư, năng suất lao động còn thấp; chất lượng, mẫu mã chuyển biến chưa nhiều. Sản xuất và xuất khẩu dệt may chủ yếu khai thác lợi thế về giá nhân công còn rẻ. Do vậy, tiền lương của người lao động còn thấp, cường độ lao động cao... Hàng dệt may của Việt Nam còn bị cạnh tranh trên sân nhà với hàng nhập khẩu và cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu với các nước khác, nhất là Trung Quốc, Pakistan.
Nguồn: Chính phủ