Nhiều chuyên gia trong ngành điều cảnh báo Việt Nam cần phải giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điều.

Tuy nhiên, nhập khẩu điều nguyên liệu đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh nông dân "quay lưng" lại với cây điều

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu điều trong 4 năm từ 2007 đến 2010 đã tăng từ 650 triệu đô la Mỹ lên 900 triệu đô la Mỹ trong khi khối lượng chỉ tăng 1,2 lần, từ 152.000 tấn lên 180.000 tấn.

Năm 2011, ngành điều với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỉ đô la Mỹ đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, song song với thành tích ấn tượng đó ngành điều lại càng tỏ ra ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu hạt điều thô nhập khẩu. Khối lượng nhập khẩu tăng từ 200.000 tấn năm 2007 lên đến 430.000 tấn trong năm 2011 và không có dấu hiệu dừng lại khi ngành điều tiếp tục đặt ra chỉ tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỉ đô la Mỹ trong khi người trồng điều trong nước đang quay lưng lại với điều.

Tại hội nghị khách hàng điều quốc tế do Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ở TP Nha Trang ngày 22-5, ông Phạm Văn Tòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, “thủ phủ” cây điều với 150.000 héc ta trồng điều đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng quay lưng lại với cây điều.

Ông Tòng nói, trên tổng diện tích trồng điều thì diện tích cây già cỗi, đã thu hoạch 30 năm nay chiếm khoảng 30%. Điều bị sức ép cạnh tranh từ nhiều loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều như cao su, cà phê.

Diện tích bị chặt hạ của riêng tỉnh Bình Phước đã đạt trên 2.400 héc ta từ đầu năm đến nay. Đi qua nhiều địa phương có trồng điều thấy người dân chất củi điều hàng đống ngay dọc bên quốc lộ.

Tương tự, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh có diện tích trồng điều lớn thứ 2 sau Bình Phước cũng chia sẻ số phận tương tự của loại cây trồng này. Theo ông Vĩnh, mặc dù sản phẩm điều của tỉnh đã phát triển thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, kim ngạch xuất khẩu qua Trung Quốc, Hà Lan, Nga, các nước Trung Đông tăng khá mạnh, điều này cũng không giúp người dân gắn bó hơn với loại cây này.

Theo ông Vĩnh, bên cạnh nguyên nhân do giá thu mua thấp, trên đà giảm từ năm 2011 đến nay còn có nguyên nhân xuất phát từ mối liên kết “hờ hững” giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị hạt điều, đặc biệt là quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Các doanh nghiệp chế biến chỉ quan tâm đến mua mà chưa tham gia đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay 50% khối lượng điều thô của Việt Nam đang phải nhập khẩu, chủ yếu từ các nước Tây Phi và một số nước Đông Nam Á.

Phát biểu tại diễn đàn, một nhà nhập khẩu nhân điều nước ngoài nhận định năng lực sản xuất vượt quá năng lực cung ứng nguyên liệu. Việt Nam đang lệ thuộc ngày càng nhiều vào nguyên liệu điều thô nhập khẩu, đặc biệt từ các nước Tây Phi và chính điều này là rủi ro lớn dần cho ngành.

“Họ không thể cung ứng mãi nguyên liệu thô cho Việt Nam. Hiện nay nhiều nước châu Phi như Mozambic, Tanzania đang “mon men” dần qua khâu chế biến sâu, giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Không có lý gì nguyên liệu của họ lại muốn vĩnh viễn giao cho các nước thứ ba chế biến rồi đi bán cho thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU với giá cao”, nhà nhập khẩu nói trên nhận định.

Ông Joseph Lang, Giám đốc điều hành công ty Kenkko, một nhà nhập khẩu và phân phối điều lớn ở thị trường châu Âu cũng đồng tình với nhận xét trên. Ông Lang cung cấp thông tin Liên minh điều châu Phi dự tính sẽ thực hiện sơ chế 35% điều thô của các nước này trước năm 2020. Trong khi đó nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới cũng đổ tiền vào các dự án chế biến điều ở châu Phi.

“Điều này có nghĩa rồi đây sẽ không còn là nguồn cung cấp điều giá rẻ cho Việt Nam mà sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh rất đáng ngại của Việt Nam”, ông nói.

Theo ông Joseph, một mặt Việt Nam cần thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa để giảm phụ thuộc vào lao động, giảm chi phí nhân công. Mặt khác các doanh nghiệp cần nghiên cứu nâng cao sản lượng, đa dạng hóa nguồn cung cấp, đặc biệt là nâng cao giá trị điều qua các phương pháp chế biến giá trị gia tăng cho điều.

"Các bạn có thể chế biến sâu, tận dụng sản xuất sản phẩm phụ từ điều như dầu vỏ hạt điều, sản xuất ván ép từ thân cây, làm chất đốt từ vỏ hạt...", ông gợi ý.

(TBKTSG Online)