(VINANET) – Ngược lại với tăng kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm trong tháng 5, sang tháng 6 nhập khẩu mặt hàng này giảm kim ngạch, giảm 11,1%, tương đương với 102,3 triệu USD. Tính chung nửa đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 579,2 triệu USD, tăng 16,88% so với cùng kỳ năm trước.

Niudilân tiếp tục là thị trường cung cấp sữa và sản phẩm cho Việt Nam trong nửa đầu năm nay, chiếm 26,4% thị phần, đạt 153 triệu USD, tăng 7,48% so với 6 tháng 2013; thị trường có kim ngạch lớn thứ hai là Hoa Kỳ với 130,8 triệu USD, tăng 38,55%.

Ngoài hai thị trường cung cấp chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu sữa và sản phẩm từ các thị trường khác như Thái Lan, Hà Lan, Đức, Malaisia, Oxtraylia, Pháp….

Nhìn chung, nửa đầu năm nay, nhập khẩu sữa và sản phẩm đều tăng trưởng về kim ngạch ở hầu khắp các thị trường, thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng chiếm trên 60%, trong đó nhập khầu từ thị trường Oxtraylia có tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 58,54%, mặc dù kim ngạch nhập chỉ đạt 17,2 triệu USD. Đáng lưu ý, trong nửa dầu năm nay, nhập khẩu sữa và sản phẩm của Việt Nam có thêm thị trường Nhật Bản, với kim ngạch đạt 961,7 triệu USD.

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu sữa và sản phẩm 6 tháng đầu năm 2014 – ĐVT: USD

 
KNNK 6T/2014
KNNK 6T/2013
% so sánh
Tổng KNNK
579.266.690
495.605.809
16,88
Niudilân
153.078.149
142.424.229
7,48
Hoa Kỳ
130.861.653
94.452.321
38,55
Thái Lan
37.126.061
30.982.004
19,83
Hà Lan
30.995.429
28.683.123
8,06
Đức
28.103.617
19.018.736
47,77
Malaisia
21.295.978
27.091.595
-21,39
Oxtraylia
17.221.590
10.862.737
58,54
Pháp
14.734.585
22.094.262
-33,31
Đan Mạch
8.131.128
23.661.217
-65,64
Ba Lan
5.787.327
4.790.202
20,82
Hàn Quốc
4.778.939
5.759.390
-17,02
Tây ban Nha
3.991.059
2.734.841
45,93
Philippin
3.035.766
5.018.639
-39,51

Theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 21/6 tất cả các mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng bình ổn, áp trần sẽ buộc phải giảm giá bán lẻ. Nhiều doanh nghiệp sữa theo đó cũng đưa ra mức giá mới cho đại lý của mình. Do vậy, giá sữa cho trẻ em giảm mạnh sau ngày đầu áp trần bán lẻ.

Tại hệ thống Ocean Mart, ngay sau khi Abbott đi đầu giảm giá hồi đầu tháng Sáu, một loạt hãng sữa khác như Nestle, Vinamilk và gần đây nhất là dòng sữa Friso của Frieslandcampina Việt Nam cũng đã có điều chỉnh. Mức giảm của những mặt hàng này dao động từ 11% đến 24% tương đương 18.900 đến 196.000 đồng/hộp.

Trong số này, sản phẩm sữa được giảm giá nhiều nhất là Dielac Pedia 1+ HT 900g giảm tới 24%, tương đương giảm 196.000 đồng/lon.

Mức giá mới của nhiều loại sữa đang nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, phía cơ quan chức năng sẽ tổ chức ngay các đoàn thanh tra ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế,... để rà soát lại giá bán các mặt hàng sữa.

Mức giá bán lẻ tối đa được cao hơn giá bán buôn 15%. Theo bảng giá Bộ Tài chính công bố, sản phẩm Similac GainPlus IQ (với Intelli-Pro) loại 1,7 kg của Abbott (nhà phân phối Công ty 3A) có giá bán lẻ khuyến nghị cao nhất trong số 181 sản phẩm nói trên, với giá 727 nghìn đồng/hộp (giá bán buôn là 692 nghìn đồng).

Tiếp đến là sản phẩm Baby’s Only Organic (0-12 tháng) loại 900g của của Công ty cổ phần TM&PT Organic Việt Nam, giá bán lẻ khuyến nghị 710 nghìn đồng/hộp (giá bán buôn 621.271 đồng).

Sản phẩm EnfaGrow A+4 Vanilla – 360oBrain loại 1,8 kg của Mead Johnson giá 700.759 đồng/hộp (bán buôn 683,9 nghìn đồng). Sản phẩm Friso Gold 4 loại 1,5 kg có giá bán lẻ khuyến nghị 648 nghìn đồng/hộp (bán buôn là 584,1 nghìn đồng) và Nan 2 BL InfMPwdr LEB011A-2 VN loại 800g của Nestlé có giá bán lẻ khuyến nghị 377,1 nghìn đồng/hộp (bán buôn 323 nghìn đồng...

Đối với 35 sản phẩm sữa của Vinamilk, gồm 25 sản phẩm sữa công thức và 10 sản phẩm bột ngũ cốc có giá bán lẻ tối đa chỉ chênh lệch 6% so với giá bán buôn tối đa được công bố trước đó. Trong đó, Optimum Step 1 HT 900g có giá bán lẻ tối đa là 375.562 đồng/hộp và Dielac Alpha 123 HG 400g loại hộp giấy có giá 76.274 đồng/hộp là hai sản phẩm có giá bán lẻ cao và thấp nhất trong số các sản phẩm sữa bột của Vinamilk.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định mức giá bán lẻ mà các doanh nghiệp khuyến nghị chỉ cao hơn bán buôn 5-12%. Theo quy định, mức giá bán lẻ tối đa được cao hơn giá bán buôn 15%.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Sở Tài chính địa phương căn cứ vào bảng giá tối đa bán buôn, giá đăng ký và bán lẻ khuyến nghị để kiểm tra, rà soát, giám sát việc thực hiện trần giá sữa trong thời gian tới.

Kết quả tính đến ngày 30/6/2014 đã có 469 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa, giá đăng ký trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.

Giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi hiện đã giảm so với tháng 5/2014 (trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá) khoảng từ 0,3-26%.

Dự báo: Giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ổn định trong tháng 7/2014.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/Cục quản lý giá Bộ Tài chính

Nguồn: Vinanet