(VINANET) – Kết thúc năm 2014, xuất khẩu phân bón của cả nước giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 4,37% và giảm 10,90% so với năm 2013.

Hiện nay doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là đáp ứng gần đủ nhu cầu của thị trường, với khoảng 500 cơ sở sản xuất, tổng sản lượng sản xuất hàng năm đạt trên 8 triệu tấn các loại, phân bón.

Năng lực sản xuất một số loại phân bón chính (urê, NPK, lân) đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt với phân urê, sản lượng nhiều khiến các doanh nghiệp đang tính đến khả năng xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, năng lực sản xuất phân urê trong nước là 2,34 triệu tấn/năm, bao gồm: Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn, Đạm Cà Mau 800.000 tấn, Đạm Hà Bắc 180.000 tấn, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2014, Đạm Hà Bắc nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm, cả nước sẽ có 2,660 triệu tấn/năm. Như vậy, cuối năm 2014, theo dự báo, sản lượng urê sản xuất trong nước sẽ dư thừa ít nhất 400.000 tấn. Do vậy, việc hướng đến xuất khẩu phân đạm là điều tất yếu. Ngay trong tháng 1/2014, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xuất khẩu được 8.000 tấn phân bón sang thị trường Nhật Bản.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, nhu cầu phân bón các loại của cả nước khoảng 11 triệu tấn, tăng hơn mức 10,3 triệu tấn năm 2013. Trong đó, nhu cầu phân urê khoảng 2,2 triệu tấn, phân DAP khoảng 900.000 tấn, phân NPK khoảng 4 triệu tấn... Với sản lượng 8 triệu tấn phân bón các loại, doanh nghiệp trong nước đã chủ động được gần 80% nhu cầu.

Có thể nói, các doanh nghiệp nội sản xuất phân bón hiện đang làm chủ thị trường trong nước khi tạo ra được một nguồn cung dồi dào, thậm chí còn dư thừa để xuất khẩu. Đây được coi là một lợi thế của các doanh nghiệp nội trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại đang tìm cách xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, kết thúc năm 2014, xuất khẩu phân bón của cả nước giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 4,37% và giảm 10,90% so với năm 2013.

Mặt hàng phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước châu Á, trong đó Cămpuchia là thị trường chính, chiếm 42,6%, tương đương với 449,3 nghìn tấn, trị giá 173 triệu USD, tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường thị trường Cămpuchia trong năm lại giảm, giảm 12,24% về lượng và giảm 17,772% về trị giá. Thị trường chiếm thị phần lớn thứ hai là Hàn Quốc,  chiếm 13,9%, đạt 147,5 nghìn tấn, trị giá 41,5 triệu USD, tăng 3,89% về lượng nhưng giảm 3,46% về trị giá so với năm trước.

Kế đến là Malaixia, Philippin, Thái Lan, Lào, Đài Loan và Nhật Bản. Nhìn chung, xuất khẩu phân bón sang các thị trường này đều giảm cả về lượng và trị giá, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường Nhật Bản, giảm 54,47% về lượng và giảm 61,31% về trị giá. Đáng chú ý, tuy đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng, nhưng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan lại có tốc độ tăng trưởng mạnh, tăng 37,38% về lượng và tăng 26,26% về trị giá.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu phân bón năm 2014 – ĐVT: %

(Nguồn số liệu: Thống kê sơ bộ TCHQ)

NG.Hương

Nguồn: Vinanet

Nguồn: Vinanet