Tính đến hạ tuần tháng 4/2010, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng đã đạt mức kỷ lục mới là 24.400 NDT/tấn. Cũng chính vào thời điểm giá cao su vẫn trong xu thế tiếp tục tăng, các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã can thiệp bằng biện pháp hành chính để ngăn chặn. Từ ngày 22/4/2010, các cơ quan chức năng phía bạn đã đình chỉ hầu hết các doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc tham gia giao dịch nhập khẩu cao su Việt Nam tại cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm. Một số đơn vị được phép giao dịch, chỉ được nhập những lô hàng dưới 20 tấn và phải chấp hành nghiêm kỷ luật về giá, không được nhập với giá trên 24.000 NDT/tấn.

Trước tình hình này, khoảng 50% doanh nghiệp xuất nhập khẩu cao su của Việt Nam đã chuyển hướng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga. Biện pháp giải quyết kịp thời này đã giải tỏa được một lượng lớn cao su xuất khẩu khôgn bị ứ đọng ở cửa khẩu Móng Cái và đảm bảo khâu kinh doanh không bị ngưng trệ. Dự đoán, sang đầu tháng 5, giao dịch xuất nhập khẩu cao su tại cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm sẽ trở lại hoạt động bình thường. Đây là thời kỳ nhu cầu tiêu thụ cao su tại Trung Quốc ở đỉnh cao và phía đối tác cho rằng giá sẽ giảm xuống, do sản phẩm khai thác mủ cao su vụ mới đã dồi dào hơn.

Khu vực thị trường Đông Nam Trung Quốc có nhu cầu lớn về nhập khẩu các loại quặng tinh chế của Việt Nam. Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 10 chủng loại quặng tinh chế của nước ta, nhưng sản lượng giao dịch còn rất thấp, do nguồn cung cho xuất khẩu hạn chế. Năm nay phía đối tác mong muốn được các nhà xuất khẩu quặng Việt Nam nâng sản lượng giao dịch tăng từ 2 đến 4 lần tùy theo từng chủng loại. Tinh quặng Titan (TiO2) nhu cầu của đối tác nhập qua cửa khẩu biển Vạn Gia (thuộc Móng Cái) là 4000 tấn/tháng. Các loại tinh quặng Mangan (Mn), Bauxit (Al2O3), Cromit (Cr2O3, Wolfarmit (WO3), nhu cầu của đối tác nhập khẩu từ 3.000 tấn trở lên. Hiện nay, giá xuất khẩu các chủng loại tinh quặng đều tăng so với năm ngoái từ 4% đến 10%. Việc xuất k hẩu tinh quặng sang Trung Quốc cần đảm bảo đúng thủ tục quy định và pháp luật của Nhà nước đề hài hòa lợi ích doanh nghiệp và quốc gia.

Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tuần nổi lên là các loại phân bón hóa học, giao dịch qua hệ tiểu ngạch. Ba loại phân bón tập trung nhập khẩu nhiều nhất là Ure 46,3% N (3500 tấn/tuần lễ), giá 1950 NDT/Tấn; NPK (2800 tấn/tuần lễ), giá 1870 NDT/tấn. Dự đoán từ khoảng 25,4 đến thượng tuần tháng 5, sản lượng ba loại phân bón trên đây sẽ được nhập khẩu tăng 50%, do nhu cầu sử dụng tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ đang tăng mạnh, khiến nhập khẩu tăng để đáp ứng.

(TT)

Nguồn: Vinanet