Đến tháng 8, nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 720 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ. Dẫn đầu là Ấn Độ, Đài Loan, Na Uy, Nhật Bản, Indonesia.

Ấn Độ, Đài Loan, Na Uy, Nhật Bản và Indonesia là những nơi cung ứng nhiều thủy sản nhất cho Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch nhập khẩu ngành hàng này tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, không phải bây giờ Việt Nam mới nhập khẩu thủy sản. Nhưng từ đầu năm đến nay, lượng nhập khẩu mặt hàng này bất ngờ tăng cao, chủ yếu là nhập nguyên liệu về gia công, chế biến để xuất khẩu cho các nước trên thế giới.

“Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng gia công các mặt hàng thủy hải sản nhiều từ Trung Quốc, nhưng nay họ chuyển hướng sang Việt Nam, vì vậy tỷ trọng nhập khẩu thủy hải sản của Việt Nam gia tăng”, ông Hòe giải thích

Mặt khác, gần đây thủy sản trong nước luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác và tôm nguyên liệu, trong khi nguồn cung cá tra không ổn định. Ngoài ra, tình hình bất ổn trên Biển Đông cũng hạn chế tàu cá ra khơi khiến sản lượng sụt giảm.

Dưới đây là 5 thị trường dẫn đầu xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam trong 7 tháng qua

1. Ấn Độ

Theo số liệu của Tổng cục hải quan, 7 tháng đầu năm, Ấn độ là quốc gia dẫn đầu với giá trị 203 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua thị trường này chưa đến 8,5 triệu USD. Quốc gia này đang chiếm 33,5% thị phần về thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Sản phẩm mà Việt Nam thường xuyên nhập từ Ấn Độ là tôm sú. Nguyên nhân do thời gian qua dịch bệnh tôm bùng phát, nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu nên phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế.

2. Đài Loan

Đứng sau Ấn Độ là Đài Loan, với 42 triệu USD thủy sản xuất sang thị trường Việt Nam 7 tháng đầu năm. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này có vẻ khả quan hơn với 81 triệu USD. Sản phẩm thủy sản của Đài Loan đang chiếm 7% thị phần tại Việt Nam, chủ yếu là tôm sú, cá ngừ, mực.

3. Na Uy

Đối với Na Uy, Việt Nam không nhập nhiều mặt hàng như các thị trường khác mà chỉ có khoảng 5 nhóm được tuyển chọn là: thủy sản, hóa chất, phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị. Trong số các nhóm ngành trên, thủy sản chiếm số lượng nhiều nhất đạt 34,8 triệu USD. Đây là nước đứng thứ 3 mà Việt Nam nhập khẩu thủy sản 7 tháng qua.

Cá hồi là mặt hàng được Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Tháng 8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục thủy sản đã có chuyến thăm thị trường này, 2 bên hứa hẹn sẽ hợp tác mạnh về thủy hải sản. Trong đó, lãnh đạo Việt Nam cho biết, Na Uy có thể xuất khẩu cá hồi tươi nguyên con sang Việt Nam trong thời gian tới.

4. Nhật Bản

Không chỉ là quốc gia có mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người cao nhất thế giới, Nhật Bản còn là nước đứng thứ 4 về lượng thủy sản xuất sang Việt Nam. Theo số liệu Tổng cục thống kê, 7 tháng qua Việt Nam nhập 33 triệu USD thủy sản từ Nhật Bản. Còn hàng Việt Nam xuất đi Nhật 621 triệu USD, cao gấp 18,8 lần.

Theo lý giải của VASEP, hàng thủy sản mà Nhật nhập từ Việt Nam về chủ yếu là tôm, cá ngừ, mực, lươn, cua… Còn một số nguyên liệu Việt Nam nhập từ Nhật lại là loại hiếm như cá thu đao, cá hồi, cá tuyết…


5. Indonesia

7 tháng qua, lượng thủy sản mà Việt Nam nhập từ quốc gia thành viên ASEAN là Indonesia cũng lên tới 28,7 triệu USD. Tôm, cua, rong biển là mặt hàng được quốc gia này xuất nhiều nhất sang Việt Nam trong khi chỉ nhập vỏn vẹn 3,2 triệu USD từ Việt Nam.

Hiện Indonesia đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam, dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 triệu USD mỗi năm.

Nguồn: Vnexpress