Trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo từ chối thực hiện hợp đồng 800.000 tấn gạo sang Philippines vì giá rẻ như bèo thì VFA cho biết, chủ trương là phải thực hiện hợp đồng này để giữ uy tín.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, trong năm 2014, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và Miền Bắc (Vinafood 1) thắng trọn vẹn gói thầu 800.000 tấn gạo của Philippines với giá chỉ khoảng 370 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, đây là giá thấp hơn nhiều so với các thị trường khác. Bởi xét về cự ly giao hàng thì Ấn Độ và Pakistan xa hơn và giá bán của họ cũng cao hơn. Còn Thái Lan chủ yếu là tồn kho của năm 2013 và 2012 nên khó đáp ứng điều kiện.

Đặc biệt, theo phụ lục các hợp đồng ủy thác xuất khẩu sang Philippines mà Vinafood 1 và 2 gửi đến các doanh nghiệp, nếu không giao gạo đúng tiêu chuẩn mà đối tác này đưa ra thì sẽ bị phạt nặng. Nhiều hơn 1% tấm thì bị phạt 3USD/tấn, hạt nguyên ít, xát dối phạt từ 7,7 – 15,4 USD/tấn… Điều này khiến một số doanh nghiệp từ chối chỉ tiêu được phân bổ thực hiện hợp đồng này.

Ngày 11/6, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận có một số doanh nghiệp có gửi đơn từ chối không tham gia thực hiện hợp đồng tập trung 800.000 tấn gạo sang Philippin. Hiện Hiệp hội đã làm việc với 2 Vinafood 1 và 2. Song ông Bảy cho rằng, chủ trương là phải thực hiện hợp đồng này vì đây là chuyện uy tín của Chính phủ.

Ông Bảy cho biết thêm, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo VFA và các thương nhân đầu mối thực hiện giao hàng cho Philippin theo kết quả đợt thầu 800.000 tấn gạo vừa qua. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường này trong thời gian tới.

Ngoài ra, VFA cho hay, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2014 đạt 2,336 triệu tấn, trị giá đạt hơn 1 tỷ USD, giá bình quân đạt 426,66 USD/tấn, giảm 16,18% về số lượng, giảm 16,32% về trị giá và giảm 0,72 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2014, tổng lượng gạo xuất khẩu ước đạt 2,711 triệu tấn, đạt trị giá là 1,225 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 7% về số lượng và giảm 5,3% về trị giá.

Trong đó thị trường chính tại Châu Á là thị trường Trung Quốc chiếm cao nhất với 46,48%, trong khi những thị trường như Philippin chỉ chiếm 1,93%, giảm 68,7% so với cùng kì. Tương tự, thị trường Indonesia chỉ chiếm 0,14%, giảm hẳn 95,87% so với năm ngoái… Tại thị trường Châu Phi cũng chỉ chiếm 9,23%, giảm 65,27% so với cùng kỳ năm 2013.

Để ứng phó với những diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công thương đề xuất triển khai các giải pháp cụ thể sau như tăng cường thúc đẩy xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận riêng về thương mại gạo với các nước, trước mắt là Malaysia và Trung Quốc.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường bám sát tình hình, tranh thủ các cơ hội tiếp xúc, đàm phán các cấp cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan của 2 nước để tạo cơ hội tăng cường quan hệ thương mại gạo. 

Nguồn: infonet

Nguồn: Tin tham khảo