Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, hai dân tộc liên tục có những bước phát triển tích cực.

Những năm gần đây, quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Italia ngày càng đạt được sự phát triển khả quan.

Hiện nay, Italia là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 18 của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đứng thứ 18 về xuất khẩu và 15 về nhập khẩu. Riêng đối với thị trường EU, Italia là đối tác đứng thứ 5 về xuất khẩu và thứ 3 về nhập khẩu với Việt Nam.

Năm 2012, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Italia đạt 2,85 tỷ USD, chỉ tăng 12,5% so với năm 2011 (thấp hơn 7,3 điểm phần trăm so với tốc độ tăng chung của cả khối EU). Trong đó xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang Italia đạt gần 1,88 tỷ USD, tăng 22,3%. Ở chiều ngược lại nhập khẩu hàng hóa của các công ty Việt Nam từ thị trường Italia là 972 triệu USD, giảm 2,7%.

Số liệu từ TCHQ Việt Nam, 2 tháng năm 2013 kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Italia đạt 494 triệu USD, trong đó xuất khẩu 323,9 triệu USD, nhập khẩu 170 triệu USD. Như vậy, 2 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã xuất siêu sang Italia 153,8 triệu USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Italia là điện thoại các loại và linh kiện, cà phê, máy vi tính sản phẩm, giày dép, hàng thủy sản, hàng dệt may…. Trong đó hàng điện thoại chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 33%, đạt kim ngạch 106,9 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2013.

Kế đến là mặt hàng cà phê với kim ngạch trong tháng đạt 14,5 triệu USD, giảm 50,79% so với tháng liền kề trước đó, tính chung 2 tháng 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 44 triệu USD cà phê sang Italia, tương đương với 21,7 nghìn tấn.

Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Italia tháng 2/2013

ĐVT: USD
 
KNXK T2/2013
KNXK T1/2013
% so sánh
Tổng kim ngạch
125.545.310
198.521.742
-36,76
điện thoại các loại và linh kiện
45.275.950
11.300.665
300,65
cà phê
14.506.871
29.480.746
-50,79
máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
11.478.760
61.629.837
-81,37
máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác
10.794.157
3.129.608
244,90
giày dép các loại
8.181.375
172.863
4,632,87
Hàng thủy sản
7.161.764
9.863.618
-27,39
hàng dệt, may
4.189.495
28.791.124
-85,45
sắt thép các loại
3.642.940
1.561.656
133,27
Phương tiện vận tải và phụ tùng
2.694.016
330.448.563
-99,18
gỗ và sản phẩm gỗ
2.562.581
875.460
192,71
sản phẩm từ chất dẻo
1.382.160
3.261.263
-57,62
túi xách, ví, vali, mũ và ô dù
1.374.362
479.144
186,84
hóa chất
1.296.413
1.974.468
-34,34
hạt tiêu
979.740
523.127
87,29
cao su
744.059
597.419
24,55
Xơ sợi dệt các loại
740.760
13.977.269
-94,70
sản phẩm từ sắt thép
670.582
6.965.587
-90,37
hạt điều
422.996
1.025.842
-58,77
sản phẩm gốm, sứ
274.613
1.524.002
-81,98
sản phẩm mây, tre, cói và thảm
203.671
5.536.144
-96,32
gạo
181.883
807.188
-77,47
Hàng rau quả
155.687
409.005
-61,94
sản phẩm từ cao su
118.181
2.257.177
-94,76

Năm 2013, Việt Nam và Italia kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam. Đây là thời điểm quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Và khởi đầu cho năm trọng đại này, ngày 21/1/2013, Việt Nam và Italia đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới của quan hệ song phương với những nội hàm và những biện pháp cụ thể đưa quan hệ “phát triển hiệu quả, sâu rộng và bền vững”.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia, ông Giulio Terzi, Việt Nam giữ vị trí trung tâm mới trong chính sách đối ngoại của Italia, trong bối cảnh quan hệ của Italia với toàn bộ khu vực châu Á đang phát triển năng động. Việc ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Italia- Việt Nam cho phép hai nước nâng cao chất lượng hợp tác. trong thời gian tới, Italia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU, hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và ủng hộ việc EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam –Italia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ đối với Việt Nam, Italia là đối tác quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Tiềm năng cho việc hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất lớn nhưng quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ cao nhất từ phía Chính phủ hai nước, được cụ thể hóa thành các chính sách, quy định và đặc biệt là cải thiện thủ tục hành chính. Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng cùng Italia thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước. Trên cơ sở những thành quả hợp tác trong 40 năm qua, cùng với quyết tâm và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Italia sẽ phát triển mạnh mẽ trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi vì thịnh vượng của hai đất nước, hai dân tộc.

Theo TTXVN, ngày 12/3, Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long và các đại diện chính quyền Vùng Emilia-Romagna đã ký kết hai thỏa thuận về việc thành lập Văn phòng Việt Nam tại Vùng Emilia-Romagna cũng như tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Hai thỏa thuận được ký tại thành phố Bologna, thủ phủ Vùng Emilia-Romagna, giữa Đại sứ Nguyễn Hoàng Long và Giám đốc phụ trách sản xuất của vùng, ông Gian Carlo Muzzarrelli và Chủ tịch Liên minh các phòng thương mại của vùng, ông Carlo Alberto Roncarati.

Theo hai thỏa thuận vừa được ký, Văn phòng Việt Nam sẽ là một bộ phận của Đại sứ quán đặt tại trụ sở Liên minh các phòng thương mại Emilia-Romagna và đây sẽ là cầu nối trực tiếp để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Văn phòng Việt Nam là một mô hình do phía Việt Nam quản lý, nhưng được phép sử dụng toàn bộ hệ thống kết nối doanh nghiệp trực tiếp của phía Italy.

Hoạt động của văn phòng do Vùng Emilia-Romagna tài trợ hoàn toàn và sẽ nhằm mục tiêu hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong vùng tìm kiếm đối tác tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và tìm kiếm cơ hội với một trong những khu vực kinh tế quan trọng nhất của Italy, đồng thời thu hút vốn đầu tư cũng như công nghệ của Emilia-Romagna về Việt Nam.

Nguồn: Vinanet