Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia đàm phán cùng 11 đối tác đã trải qua 19 phiên chính thức và đang trong giai đoạn cuối.
Nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định TPP cho các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp để chủ động chuẩn bị hội nhập, Bộ Công Thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và quá trình tham gia của Việt Nam” tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/12.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết Hiệp định TPP sẽ là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực với mức độ tự do hóa sâu hơn WTO và các FTA trước đây. Vì vậy, đối với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam, Hiệp định TPP dự kiến có ảnh hưởng lớn cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến triển vọng sản xuất, kinh doanh theo những cách thức khác nhau.
Theo tính toán của một số chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cơ hội xuất khẩu thông qua tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định TPP với hơn 700 triệu người, đóng góp khoảng 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu, thuế suất của các nước gần như sẽ được cắt giảm toàn bộ.
Tham gia Hiệp định TPP cũng mang lại cơ hội cắt giảm thuế, gia tăng thu hút đầu tư cho các lĩnh vực chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản… Với nguyên tắc xuất xứ “nội khối” sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận công nghệ, thiết bị máy móc, góp phần tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh cho doanh nghiệp và vị thế quốc gia.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, nhấn mạnh những cơ hội chính khi tham gia Hiệp định TPP gồm cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, mở thêm thị trường cho hàng hóa Việt Nam, tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế.
Hiệp định cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện môi trường thể chế, tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư và năng lực sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải nỗ lực vượt qua các thách thức như sức ép cạnh tranh và tác động xã hội, điều chỉnh hệ thống pháp luật, tư duy quản lý và năng lực quản lý…
Tại hội nghị, các chuyên gia đã khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tích cực trao đổi, cung cấp thông tin đầu vào cho Đoàn đàm phán, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến đàm phán cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi Hiệp định TPP được ký kết. Từ đó các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có cơ sở cân đối chiến lược, liên kết chuỗi, đầu tư phát triển phù hợp với xu hướng mới.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng có một số ý kiến về điều chỉnh cơ chế chính sách để hỗ trợ hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới./.
(Theo Vietnamplus)