Trong 7 tháng đầu năm 2008,  xuất khẩu nông sản đạt 7 tỷ USD, tuy nhiên, Việt Nam lại phải nhập tới 1,3 tỷ USD phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Con số 1,3 tỷ USD gần tương đương với với số tiền thu được từ xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong 7 tháng qua.
Theo Cục Trưởng, với các nước phát triển, việc sử dụng phân bón có chiều hướng đi xuống còn đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc sử dụng phân bón càng ngày càng tăng. So với các nước sử dụng nhiều phân bón trên thế giới, Việt Nam mới sử dụng phân bón ở mức 2%. Tuy nhiên mức này chiếm một nguồn đầu vào khá lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Hai loại phân bón DAP và Kali hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khoảng 630.000 tấn DAP và 742.000 tấn kali. Từ nay đến hết 2010, mỗi năm sẽ phải nhập khoảng trên 500.000 tấn phân bón và giai đoạn từ 2015 đến 2020, lượng nhập khẩu phân bón sẽ giảm nhưng vẫn phải lệ thuộc vào DAP, lân, kali.
Trong tình hình hiện nay, ngành Nông nghiệp nước ta đang nghiên cứu ứng dụng các loại phân bón thay thế DAP như NPK, NEB 26… nhằm giảm sử dụng phân đạm trong sản xuất.
Năm 2007 Việt Nam sản xuất được 1.385.000 tấn phân lân. Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng tăng cao nên việc đáp ứng nhu cầu phân lân cũng rất thiếu. Các nhà máy phân lân ở phía Bắc như Lâm Thao, Văn Điển, Nung Chảy (Ninh Bình) đều đã chạy hết công suất nhưng cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu thiết yếu của sản xuất. Hiện nhu cầu phân bón ở khu vực miền Bắc trên dưới 600.000 tấn/năm. Với vùng thâm canh cao như ở miền Nam nhu cầu sử dụng phân bón lên tới trên 1.500.000 tấn.
(VOV)

Nguồn: Vinanet