Trong gần 108 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013, nhóm công nghiệp chế biến góp 75,9 tỷ USD, chiếm tới 70,3%. Những mặt hàng trong nhóm này, đặc biệt là dệt may, giày dép, điện thoại hay điện tử máy tính, được Bộ Công thương cho là nhân tố quyết định tình hình xuất khẩu trong 2 tháng còn lại.
Không chỉ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 15,2%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 10% đề ra cả năm, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua còn có sự chuyển dịch tương đối tích cực. Trong khi tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng thô hoặc mới sơ chế giảm xuống thì nhóm hàng công nghiệp chế biến lại bứt phá mạnh mẽ với sự gia tăng liên tục về thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc... Kim ngạch xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến trong 10 tháng năm 2013 tăng tới 26,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75,9 tỷ USD. Tỷ trọng của nhóm hàng này trên tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 64% lên 70,3%. Một điểm sáng nữa trong hoạt động ngoại thương những tháng qua là tốc độ tăng xuất khẩu và nhập khẩu giữ được trạng thái tương đối cân bằng. Do vậy, thâm hụt cán cân thương mại hiện dừng lại ở 187 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Điều này càng củng cố khả năng nhập siêu năm nay sẽ không lớn như dự kiến.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, sự dịch chuyển cơ cấu xuất khẩu cũng cho thấy những khó khăn kéo dài của các mặt hàng nông sản chính. Các mặt hàng này vẫn chưa thoát khỏi bế tắc trong đầu ra cho xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản 10 tháng qua đạt 16,4 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê, sắn, gạo và cao su tiếp tục suy giảm về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu theo đó cũng giảm từ 18,7% xuống còn khoảng 15%. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản vẫn tăng sản xuất dẫn đến dư thừa nguồn cung, giá xuất khẩu liên tục bị ép và giảm xuống mức rất thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng tới tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thế yếu trong thương mại song phương của Việt Nam không được cải thiện trong khi đối tác Trung Quốc tiếp tục gia tăng kim ngạch, tận dụng lợi thế. Con số nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 15 tỷ USD trong 9 tháng năm 2013. Ngoài Trung Quốc, hầu hết các nước Việt Nam nhập siêu lớn đều là những thị trường gần như ASEAN, Hàn Quốc. Điều này có nghĩa nước ta chưa tiếp cận được công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển mà đang nhập khẩu công nghệ lạc hậu và cũ kỹ của khu vực.
Với thực tế này, mong muốn tăng năng suất trong tương lai và bước nhanh hơn trong việc theo đuổi giá trị gia tăng cao sẽ trở nên xa vời. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng mạnh và liên tục ghi nhận những mức cao kỷ lục qua các năm, tuy nhiên giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu nước ta vẫn còn rất thấp. Nước ta hiện chiếm lĩnh thị trường trên thế giới chủ yếu ở nhóm hàng hóa cơ bản, như dầu mỏ, khoáng sản, nông sản, hàng dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ và điện tử. Đây là những ngành thâm dụng lao động lớn, nhưng về xu thế không còn tăng trưởng nhanh trên thế giới, lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi việc hạ thấp chi phí từ các đối thủ mới, có chi phí lao động thấp. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu có thương hiệu riêng chưa nhiều, xuất khẩu thường phải thông qua đối tác khác, nên giá bán thường thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác. Cũng không thể bỏ qua chi tiết: tỷ trọng ngày càng tăng cao của khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này có nghĩa là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn kém và không có sự cải thiện đáng kể.
Bộ Công thương dự đoán, 2 tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn khi kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, xuất khẩu 2 tháng cuối năm vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đà tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến, nhất là các mặt hàng dệt may, giày dép, điện thoại hay điện tử máy tính. Đối với nhóm nông, lâm, thủy sản, mặc dù triển vọng xuất khẩu đã khả quan hơn đối với một số mặt hàng chủ lực nhưng cũng khó có sự bứt phá mạnh. Dự báo, trong 2 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu thêm được khoảng 23,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 lên 131,5 tỷ USD, tăng 14,8%.
Các mặt hàng đạt kim ngạch lớn nhất trong 10 tháng qua đều tập trung ở nhóm công nghiệp chế biến và đều đạt tốc độ tăng trưởng cao so với năm trước như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 76,1% lên 17,7 tỷ USD; hàng dệt và may mặc tăng 18,7% lên 14,8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,5% lên 8,6 tỷ USD và giầy dép tăng 14,5% lên 6,6 tỷ USD.
(Đại Biểu Nhân Dân)