Tây Ban Nha hiện vẫn đứng đầu khối EU về NK cá tra, nhưng dự đoán XK cá tra sang thị trường này chưa thể phục hồi, khi giá trị XK trong những tháng cuối năm 2014 lao dốc.
Mặc dù khách hàng Nam Âu chưa đặt ra yêu cầu đối với chúng nhận ASC , nhưng ASC có thể là một cách để cải thiện hình ảnh và khả năng cạnh tranh của cá tra
Tiêu thụ còn nhiều khó khăn
Cá tra là một sản phẩm thủy sản khá phổ biến trong các bữa ăn gia đình của người Tây Ban Nha. Các hộ gia đình tiêu thụ tới 60% lượng cá tra nhập khẩu, tiếp theo là các ngành dịch vụ thực phẩm. Các trường học, trường đại học và các công ty khác chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ.
Khoảng 40% sản phẩm thủy sản được phân phối qua các chợ trung tâm (các nhà bán buôn truyền thống và các đại lý lớn) trong đó 3 chợ tiêu thụ lớn nhất tại Tây Ban Nha là Mercamadrid (chiếm 34% tiêu thụ cá tra); Mercabana (19,5%) và Mercavalencia (14,5%). 40% tiêu thụ qua các chuỗi bán lẻ và 10% bán tại các siêu thị lớn.
Trên thị trường bán lẻ, cá tra được bán chủ yếu dưới dạng phi lê cắt miếng lột da đông lạnh. Các cỡ thông dụng trên thị trường bán lẻ là 120 -170g; 170 – 220g và trên 220g/miếng. Một túi cá rã đông thường có 1-5 miếng philê, philê cá đông lạnh thường đóng túi 500g hoặc hộp 200 – 400g. Cá tra tươi thường được bán dưới dạng rã đông.
Tây Ban Nha NK cá da trơn, cá tra philê đông lạnh từ Việt Nam, Trung Quốc và các nước nội khối, trong đó Việt Nam chiếm tới 96%. Philê cá da trơn đông lạnh (cá tra chiếm 95%) có giá trị NK đứng thứ 3 sau cá tuyết đen và cá minh thái.
Nhập khẩu phi lê cá da trơn của Tây Ban Nha đã có những thời điểm sụt giảm nghiêm trọng. Sau khi đạt mức kỷ lục năm 2011, khối lượng NK liên tục sụt giảm trong các năm 2012-2013. Năm 2013, Tây Ban Nha nhập khẩu 33.000 tấn cá da trơn đông lạnh, chiếm 21% tổng NK phi lê đông lạnh của EU trong năm, giảm mạnh so với 49,600 tấn của năm 2010.
Có một số nguyên nhân khiến tiêu thụ và NK cá tra vào Tây Ban Nha sụt giảm như tại nước này cá tra trên thị trường bán lẻ có vị trí thấpvà có lợi nhuận thấp. Người Tây Ban Nha có truyền thống ăn cá từ lâu đời nhưng người tiêu dùng thường chuộng các sản phẩm thủy sản khai thác, vì vậy, đây là sự lựa chọn hàng đầu của họ. Giá philê cá minh thái Alaska đông lạnh - sản phẩm cạnh tranh với cá tra - được tiêu thụ rộng rãi hơn trong chuỗi bán lẻ và hệ thống dịch vụ thực phẩm công cũng như trong các nhà hàng phục vụ ăn nhanh không cao hơn nhiều so với cá tra. Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngư dân Tây Ban Nha và các nhà nuôi trồng thủy sản đã tiến hành một số chiến dịch chỉ trích nghề nuôi và làm xấu hình ảnh cá tra trong lòng người tiêu dùng nước này. Thực tế đã có một số tập đoàn cung cấp thực phẩm dừng bán cá tra. Mặc dù doanh số bán lẻ cá tra dự kiến tăng, nhưng trong dịch vụ công, nhất là mảng nhạy cảm như trường học lại ít có triển vọng cho cá tra.
Tuy vậy năm 2014, kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng khả quan hơn, chi tiêu hộ gia đình tăng mạnh, một dấu hiệu lạc quan về sự phục hồi kinh tế sau suy thoái. Yếu tố này hy vọng sẽ tạo điều kiện tăng NK các sản phẩm thủy sản khác vào Tây Ban Nha.
Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Tây Ban Nha
Trong phân khúc sản phẩm philê cá, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ 2 tại thị trường Tây Ban Nha, chiếm 11,5% thị phần, sau Namibia với 20,8% thị phần.
XK cá tra của Việt Nam sang Tây Ban Nha đã có cả một quá trình tăng trưởng đều đặn từ đầu những năm 2000. Đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về giá trị là giai đoạn 2006-2008. Trong giai đoạn suy thoái 2009-2011, NK chỉ giảm không đáng kể và đạt trên dưới 20 triệu USD/năm. Từ năm 2011-2013, XK cá tra sang thị trường này đang có những diễn biến tiêu cực và đáng lo ngại khi giá trị NK cá tra Việt Nam của nước này đã lao dốc khá mạnh qua các năm, như giá trị NK năm 2013 đã giảm tới 58,9% so với năm 2008.
Tính đến tháng 11/2014, Tây Ban Nha vẫn là nhà NK cá tra lớn nhất của Việt trong khối EU và là thị trường đơn lẻ lớn thứ 3 về tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam. XK cá tra sang các thị trường chính trong EU liên tục giảm qua các tháng, khiến tổng XK sang khối này trong 11 tháng giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng tháng 5, tháng 6 và tháng 7, XK cá tra sang Tây Ban Nha tăng trưởng khá tích cực, thậm chí tăng mạnh với mức tăng (17 – 28%). Tuy nhiên, đà tăng trưởng mạnh này không được duy trì trong các tháng cuối năm khi giá trị xuất khẩu trong tháng 10, tháng 11 liên tục sụt giảm khiến XK cá tra sang Tây Ban Nha trong 11 tháng đạt 67 triệu USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Dù Tây Ban Nha vẫn đứng đầu khối EU về NK cá tra, nhưng dự báo năm 2014 XK cá tra sang thị trường này sẽ chưa thể phục hồi.
Làm gì để thúc đẩy tiêu thụ cá tra tại thị trường Tây Ban Nha
Để gia tăng tiêu thụ cá tra tại thị trường Tây Ban Nha, trước hết, các doanh nghiệp (DN) cần đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay, tiêu thụ thủy sản của Tây Ban Nha đang hướng đến các sản phẩm ăn liền, trong khi cá tra vẫn được bán chủ yếu dưới dạng đông lạnh hoặc tươi. Vì vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm ăn liền cá tra có thể là một cơ hội trên thị trường này. Tiêu thụ cá tươi đang giảm do các sản phẩm đông lạnh và chế biến đang ngày càng phổ biến. Nếu được tiếp thị hợp lý, các sản phẩm cá tra có thể có lợi từ xu hướng này.
Ngoài ra, các DN cần nỗ lực thông tin tuyên truyền để thuyết phục người tiêu dùng về việc áp dụng các quy trình thực hành tốt và bền vững về mặt môi trường của nghề nuôi cá tra, trong bối cảnh nhu cầu thủy sản bền vững đang rất phát triển trong EU. Tại Tây Ban Nha, phát triển bền vững được công nhận trong khu vực bán lẻ: Eroski (một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Tây Ban Nha) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 3.100 độc giả của mình về thói quen ăn thủy sản ở nước này. Cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người dân thích ăn thủy sản đánh bắt bằng các phương pháp thân thiện môi trường và đánh giá cao tầm quan trọng của khai thác bền vững Hiện nay, một số công ty bán lẻ và dịch vụ lớn ở Tây Ban Nha đã bắt đầu quan tâm đến chứng nhận bền vững, mặc dù hầu hết các công ty vẫn chưa yêu cầu giấy chứng nhận bền vững.
Hiện tại, khách hàng Nam Âu chưa đặt ra yêu cầu đối với chứng nhận ASC, nhưng chứng nhận ASC có thể là một cách để cải thiện hình ảnh và khả năng cạnh tranh của cá tra trong tương lai không xa. Ngoài ra, các DN cần tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất cá tra để có thể bán cá tra có chứng nhận với một mức giá phù hợp và có thể trở thành nhà cung cấp được ưa chuộng trong phân khúc bán lẻ Tây Ban Nha và có thể gia tăng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha.
Nguồn: vietfish.org