5 tháng đầu năm 2014, XK cao su thiên nhiên ước đạt 239.000 tấn, trị giá 472 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và 39,3% về giá trị so cùng kỳ 2013.

Thông tin của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 239 nghìn tấn với kim ngạch 472 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và 39,3% về kim ngạch so cùng kỳ 2013.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, những tháng đầu năm, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu tiếp tục có xu hướng giảm mạnh. Dự kiến xuất khẩu cao su năm 2014 đạt khoảng 1 triệu tấn, giảm 7-10%; kim ngạch đạt khoảng 1,8-2 tỷ USD, giảm 25-30% so với năm 2013.

Nhìn chung, cao su Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Malayxia, Ấn Độ nhưng đều giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch, trong đó thị trường Trung Quốc giảm sâu nhất, tới 37,7% về lượng và 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2013.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhưng theo bà Hoa, từ ngày 11/11/2013, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 157/TT-BTC về việc điều chỉnh thuế suất cao su xuất khẩu. Theo đó, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu 2 loại cao su ly tâm và cao su hỗn hợp từ 3% xuống 1%, trong khi lại tăng thuế suất xuất khẩu của các mặt hàng cao su khác từ 0% lên 1%.

“Đây là một khó khăn lớn đối với cao su xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh giá cao su liên tục giảm từ năm 2012 đến nay, đồng thời cũng không khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, hiện nay nguồn thu từ loại thuế này không nhiều vì giá cao su giảm mạnh và doanh nghiệp cũng đã giảm sản xuất các loại cao su có thuế suất xuất khẩu”, bà Hoa nhận định.

Từ những bất cập này, hiện nay Hiệp hội Cao su Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc điều chỉnh mức thuế suất xuất khẩu mủ cao su sơ chế về 0% như trước đây nhằm giúp doanh nghiệp cao su Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá so với các nước khác, đặc biệt là trong giai đoạn giá xuất khẩu đang “lao dốc” như hiện nay.

Nguồn: Công Thương