Theo Research and Markets, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đã tăng 11% trong 6 tháng đầu năm 2008, cho dù xuất khẩu hàng dệt may của nước này vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng 5,1% và vào Mỹ tăng 0,7%.
Tại Đông Nam Á, năm 2008, xuất khẩu hàng dệt may của Inđônêxia chỉ tăng khiêm tốn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/08 do nhập khẩu của Mỹ và EU giảm sút. Trong khi cùng thời kỳ này, nhu cầu hàng dệt may trong nước của Inđônêxia lại tăng, còn ở Malaixia, xuất khẩu hàng dệt may giảm 3,2% sau khi tăng hai năm liên tiếp. Tầm quan trọng của ngành nghệ này không còn mạnh như trước, song Chính phủ Malaixia gần đây đã công bố nhiều biện pháp nhằm phát triển hơn nữa ngành công nghiệp này. Tại Philíppin, tình hình xuất khẩu hàng dệt may trong 9 tháng đầu năm ngoái khá ảm đạm trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc và các nhà sản xuất khác ở châu Á. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan lại tăng sau khi giảm trong năm 2007. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2008 và dự kiến sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu 9,5 tỷ USD đặt ra cho năm ngoái.
Ở khu vực Nam Á, Băngla Đét vẫn thể hiện được năng lực trong giai đoạn "hậu quota", bất chấp lo ngại sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trong tài khóa 2007/08 (kết thúc vào cuối tháng 6/08), xuất khẩu hàng dệt may của BănglaĐét đã tăng 16,2%, trong khi sản xuất hàng dệt may, đồ da, hàng đay và bông tăng 10,7%. Xuất khẩu dệt may của Ấn Độ tăng ngoạn mục ở mức 16,7% trong tài khóa 2007/08, nhưng xuất khẩu quần áo chỉ tăng 6,8%. Trái lại, xuất khẩu hàng dệt may của Pakixtan lại giảm 2,3% do nhu cầu giảm sút ở thị trường Mỹ và EU.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam