Trong tháng 5/2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng 4 nhưng tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp tăng trưởng khoảng 17,6% so với cùng kỳ, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 12,7%. Đây được đánh giá là điểm sáng phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa.
Tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm, theo Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, không chỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà cả khối doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước đều đạt được mức tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt khoảng 58,51 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương mức tăng 7,8 tỷ USD), trong đó, doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 19,05 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 36,39 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng lưu ý, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt. Ước tính, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Việt Nam nhập khẩu trị giá khoảng 16,1 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm 28,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị... phục vụ cho đầu tư xây dựng và cho sản xuất, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là mặt hàng nông, lâm sản, nguyên liệu thô…
Tuy nhiên, để việc nhập khẩu không quá phụ thuộc vào một thị trường, giải pháp đưa ra là thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và chủ động đầu tư nguyên phụ liệu.
Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh giao thương với những bạn hàng truyền thống như các quốc gia khu vực ASEAN, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường mới như châu Phi, Trung Đông. Bên cạnh đó, nhà nước còn khuyến khích các doanh nghiệp tăng sản xuất trong nước đối với một số sản phẩm như nguyên phụ liệu dệt may và hỗ trợ bằng nhiều chính sách để doanh nghiệp có thể tự sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, để đảm bảo nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu, Vinatex đã chuẩn bị đầu tư nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu. Trong năm nay, Vinatex sẽ triển khai 15 dự án sợi, 8 dự án dệt, 24 dự án may, 2 dự án bông trang trại… Sau khi các dự án hoàn thành, năng lực nguyên, phụ liệu tăng thêm của Vinatex sẽ vào khoảng 7.000 tấn sợi, 4.000 tấn vải dệt kim, trên 20 triệu mét vải dệt thoi… đưa tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may lên khoảng 55% vào năm 2015.
Đối với ngành da giày, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, gia tăng sử dụng nguyện phụ liệu trong nước. Dự kiến, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp da giày sẽ đạt 65% trong năm 2015.
Nguồn: TTXVN