Nếu các doanh nghiệp nỗ lực tốt, có khả năng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay đạt 10 tỉ USD (cao hơn 900 triệu USD so với năm 2008)
Cũng theo BMI, trong 17 nhóm hàng trị giá hơn 10 triệu USD của dệt may VN xuất sang Nhật Bản, có đến 11 nhóm hàng đang trong xu hướng tăng, cụ thể là nhóm áo thun tăng 161%, nhóm váy tăng trên 58%, áo kimono tăng 43%, sơ mi tăng 36%...
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2009 sang Nhật sẽ tăng 20% so với năm 2008. Ngoài ra, còn có một số thị trường mới như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Âu và đã có những đơn hàng xuất khẩu phụ liệu sang Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Dệt may VN (Vitas): Một sự kiện có nhiều ý nghĩa với ngành thời trang VN là mới đây Hiệp hội Thời trang châu Á bước đầu đã chấp thuận cho VN trở thành thành viên thứ 6 của hiệp hội (dự kiến kết nạp chính thức vào tháng 11 – 2009).
Việc có mặt trong hiệp hội thời trang uy tín nhất châu Á sẽ giúp ngành thời trang VN hưởng những thuận lợi từ các hoạt động xúc tiến thương mại cho hàng thời trang xuất khẩu trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, thông tin mới nhất là ba nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu trong ASEAN là VN, Indonesia và Thái Lan có thể sẽ thành lập một liên minh vào cuối năm nay giúp đẩy mạnh xuất khẩu của khu vực, cắt giảm chi phí sản xuất và liên kết các đơn đặt hàng.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cho biết: Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm đạt khoảng 4 tỉ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu dệt may của thế giới giảm khoảng 15%, ngành dệt may VN chỉ dừng ở mức suy giảm gần 5% là con số có thể chấp nhận được. Và thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đạt khá. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vinatex vẫn đạt 148% kế hoạch, có đơn vị đạt lợi nhuận trên vốn hơn 30%...
Theo nhiều DN dệt may, khác với quý I, nhiều DN may mặc phải thu hẹp sản xuất do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, những tháng gần đây, nhất là từ giữa tháng 6, đơn hàng dệt may của các đối tác Mỹ và EU đang dần dần ổn định trở lại, nhiều DN đã ký được đơn hàng đến hết quý III/2009, thậm chí một số DN lớn đã có hợp đồng đến hết năm nay.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho rằng: Mặc dù ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn nhưng nếu các DN nỗ lực thì năm nay vẫn có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD (cao hơn 900 triệu USD so với năm 2008).

Nguồn: Internet