Vừa qua, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may nhập khẩu vào thị trường này có xuất xứ từ Việt Nam, đã gây ảnh hưởng nhiều đến các đơn hàng sản xuất của VN. Một số doanh nghiệp (DN) dệt may xuất khẩu đã lùi lại để tạo độ an toàn bằng việc thực hiện gia công thuần túy các đơn hàng, một bước thụt lùi đáng buồn đối với ngành dệt may.

Có thể thấy, cơ cấu hàng dệt may Việt Nam (VN) xuất vào thị trường Hoa Kỳ tăng đều trong 5 năm trở lại đây, bất chấp những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ (HK). Đồng thời, thị trường chung của sản phẩm dệt may từ VN trên thị trường HK cũng tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, dù có vậy, VN vẫn chỉ là một nhà cung cấp sản phẩm dệt may vào HK ở mức khiêm tốn, tỷ lệ cung cấp chỉ ở mức dưới 10%. Bằng việc DOC nhắm vào giám sát các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường HK như quần âu (cat 347-348, 447-448, 647-648, 847), áo sơ mi (cat 338-339, 340-341…), đồ lót, đồ bơi, áo len…đã buộc các công ty thành viên Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may HK (USD-ITA) phải xem xét lại việc tìm nguồn hàng từ VN. 

Do vậy, các nhà nhập khẩu USD-ITA và các nhà bán lẻ (Liên đoàn bán lẻ quốc gia-NRF) phải xem xét và dự đoán những trường hợp xấu có thể xảy ra vào thời điểm nào hàng dệt may VN có thể bị ràng buộc bởi những yêu cầu về bổ sung và thuế phá giá. Đồng thời, chương trình giám sát này có thể dẫn đến nhiều thủ tục, công đoạn giấy tờ phức tạp, hoặc đòi hỏi cửa khẩu mới nên sẽ trở thành gánh nặng đối với các nhà nhập khẩu dệt may của HK.

Thực tế là khó có thể dự đoán trước nên mức độ rủi ro cao, từ đó một số thành viên NRF đã quyết định hạn chế tìm kiếm nguồn hàng tại VN bằng việc cắt giảm đáng kể hoặc chấm dứt hoàn toàn các đơn đặt hàng của họ từ cuối năm 2007.

Đáng lưu ý, các thành viên NRF cũng cho biết, đối thủ chính của VN trên thị trường nhập khẩu hàng dệt may của HK chính là Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, do đó các đơn đặt hàng bị hủy sẽ được chuyển sang các quốc gia khác ở châu Á chứ không phải HK hay các nước thuộc Tây Bán cầu.

Trong khi đó, các nhà sản xuất tại VN lo ngại trước việc các đơn hàng giảm, yếu tố rủi ro cao, vì thế nên một số DN đã chuyển từ việc làm theo phương thức FOB trước đây sang gia công thuần túy. Xét về tổng thể, đây cũng là một thiệt hại lớn đối với ngành dệt may VN, sau nhiều năm nỗ lực nâng cấp chuyển hình thức từ gia công thuần túy lên phương thức sản xuất FOB (tạm hiểu DN mua nguyên liệu và sản xuất theo đơn đặt hàng dưới sự đồng ý của chủ hàng).

Với hàng dệt may, nếu chỉ gia công, phần giá trị gia tăng dành cho các nhà sản xuất VN rất thấp. Từ khởi điểm gia công thuần túy (nhà sản xuất được cung cấp nguyên phụ liệu và chỉ làm một việc là ráp cho ra sản phẩm), sau đó có thể tiến lên một bước sản xuất theo mẫu (phương thức FOB).

Trong cạnh tranh toàn cầu, thị trường may mặc là một chuỗi hàng hóa do người mua điều khiển, do đó phần lớn lợi nhuận rơi vào túi các nhà bán lẻ, những người môi giới thị trường, nhà sản xuất có thương hiệu. Chuỗi hàng hóa này được sản xuất theo mô hình tam giác, gồm ba bên chủ chốt ở ba đỉnh là nhà phân phối - công ty tìm nguồn hàng-nhà sản xuất. 

Trong quá trình này, một số trường hợp công ty sản xuất may mặc có khả năng mở rộng hoạt động của mình dọc theo chuỗi hàng hóa và thực hiện theo sản xuất theo mẫu mã của mình. Khi đó, các công ty này có thể tự thiết kế quần áo thời trang với thương hiệu của riêng mình hoặc dưới thương hiệu của nhà phân phối chính.

Khi xác định rõ vị trí của mình trong tam giác sản xuất: nhà phân phối - công ty tìm nguồn hàng - nhà sản xuất, các DN dệt may VN làm gì để nâng cao lợi nhuận của mình, giảm sự lệ thuộc đối với các nhà phân phối lớn trên thế giới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May VN (Vinatex) nhận định: các DN VN đang nỗ lực di chuyển mở rộng cả hai cạnh của tam giác, đặc biệt là chuỗi may mặc sẽ đột phá vào khâu thiết kế và thương hiệu.

Bên cạnh đó, quyết tâm đầu tư mở rộng phát triển phần nguồn của chuỗi sản phẩm (sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may) cũng đang được tăng tốc. Mới đây, một dự án sản xuất nguyên liệu xơ tổng hợp từ công nghiệp hóa dầu trong nước cũng chính thức khởi động, với tổng vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, sử dụng công nghệ hiện đại nhất, bỏ qua một số công đoạn đi thẳng qua kéo sợi nhằm giảm chi phí sản xuất cho ra chất lượng sản phẩm tốt và giá thành cực kỳ cạnh tranh. Một số dự án trồng bông tập trung có tưới để tăng năng suất và hiệu quả, đầu tư sản xuất phụ liệu ngành may mặc… cũng đang triển khai.

Như vậy, nếu chiến lược phát triển này của VN được mở rộng theo hai cạnh tam giác sản xuất, giá trị gia tăng mang lại từ sản phẩm dệt may sẽ lớn hơn rất nhiều. Khi đó, nhờ chủ động được nguyên liệu, thiết kế, thương hiệu sản phẩm, khả năng tham gia khâu phân phối tăng lên nên có thể kiểm soát trở lại khâu sản xuất. Cũng nhờ vậy, thu nhập và đời sống người lao động ngành dệt may mới có điều kiện cải thiện tốt hơn.

Hiện nay, các DN hàng đầu ngành dệt may như Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông, Dệt May Hà Nội, May 10, Phong Phú, Sanding, Legafashion… đều đang tập trung đầu tư mạnh mẽ cho công tác thiết kế mẫu, với việc mỗi DN thu hút hàng chục nhà thiết kế mẫu vào làm việc với những điều kiện khá ưu đãi. Công tác xây dựng hình ảnh DN, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cũng đã được thực hiện ra nước ngoài. Một số thương hiệu thời trang đã bắt đầu quen với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu được một số bộ thiết kế thời trang như VeeSendy, T-up, F-house…

 

 

Nguồn: Internet