Năm 2012 sắp đi qua, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thấp hơn kế hoạch đề ra. Song lĩnh vực xuất khẩu (XK) lại có nhiều điểm sáng. Khu vực này vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, liên tục và hứa hẹn sẽ phát huy kết quả tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực sáng nhất này cũng cho thấy sự mờ nhạt của các doanh nghiệp nội.

Theo Bộ Công thương, kết quả XK 11 tháng tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 95,0% kế hoạch đề ra và chủ yếu do đóng góp của khu vực FDI. Cụ thể, kim ngạch XK 11 tháng đạt 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch XK của doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực 100% vốn trong nước đạt 38,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 65,6 tỷ USD.

Hàng loạt mặt hàng XK chủ lực, gồm dệt may, cà phê, đồ gỗ, dầu thô… đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD từ lâu. Hàng Việt vẫn duy trì vị trí vững chắc tại các thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Quốc... Đặc biệt, nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang khẳng định sức vươn, có đóng góp lớn nhất trong kim ngạch XK, với giá trị xấp xỉ 67 tỷ USD, chiếm tới 64,3% tổng kim ngạch XK, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này cho thấy, các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam đã có vị thế nhất định, uy tín ngày càng được nâng cao. Đây là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện sự chủ động trong xây dựng các cơ sở sản xuất hiện đại, công nghệ cao làm động lực góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nền kinh tế.

Các chuyên gia dự báo, theo yếu tố chu kỳ và thực tiễn số đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, hoạt động XK của Việt Nam sẽ diễn ra nhộn nhịp hơn vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, đời sống thị trường quốc tế và diễn biến giá cả hàng hóa không có biến động mạnh nên tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 114,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với kế hoạch và tăng khoảng 18,2% so với năm 2011. Như vậy, có thể khẳng định hoạt động XK - lĩnh vực quan trọng hàng đầu sẽ cán đích ngoạn mục, đóng góp hiệu quả trong cân bằng cán cân thương mại, tạo nguồn cung cấp ngoại tệ cho thanh toán quốc gia...

Tuy nhiên, cần phân tích sâu hơn để thấy rõ điểm mạnh, yếu của lĩnh vực này nhằm thúc đẩy XK tăng trưởng nhanh, bền vững, cũng như hướng tới cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trước hết, những mặt hàng có kim ngạch XK có mức tăng trưởng cao, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện, đạt 11,4 tỷ USD (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2011); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD (tăng 67% so với cùng kỳ); các loại máy ảnh, máy quay phim và linh kiện khác… đều do các DN ĐTNN sản xuất. Ngoài ra, DN ĐTNN hiện vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng trong XK, với mức tăng 31,8% so với cùng kỳ, thể hiện rõ xu hướng ngày càng tăng cao bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và suy giảm của kinh tế thế giới. Trong khi đó, kim ngạch XK của DN nội chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy DN nội vẫn còn yếu kém cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng cũng như trình độ công nghệ trong các ngành chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xét rộng hơn, thành tựu XK chung có được chủ yếu lại do sự đóng góp của DN ĐTNN, với giá trị lên tới 65,6 tỷ USD trong tổng kim ngạch XK của cả nước tính đến thời điểm này.

Sau 11 tháng, Việt Nam đã xuất siêu 14 triệu USD, bằng 0,01% kim ngạch XK. Con số này cho thấy, giá trị XK đã cao hơn nhập khẩu, trái ngược với diễn biến của các năm trước khi nền kinh tế thường xuyên nhập siêu 8-10 tỷ USD mỗi năm. Sự bất thường này được các chuyên gia lý giải là do các DN nội bị tồn đọng sản phẩm, thiếu hợp đồng XK vì sức mua của nhiều đối tác giảm... Từ năm ngoái đến nay, đã có khoảng 100.000 DN ngừng hoạt động tức là nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất hàng XK cũng giảm tương ứng. Như vậy, có thể thấy xuất siêu không phải là tín hiệu tốt mà chỉ phản ánh... tình trạng khó khăn của DN nội.

(TTTC)

Nguồn: Thị trường tài chính tiền tệ