Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, sản phẩm rau quả Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng.
Một nét mới trong sản xuất rau quả hiện nay ở nước ta là nhiều vùng và địa phương đã và đang tập trung sản xuất hàng rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm rau sạch bị hạn chế đầu ra là do các kênh phân phối cho sản phẩm còn yếu, sản phẩm không có dấu hiệu để nhận diện, ít được người tiêu dùng biết đến. Cùng với đó là các trở ngại về giá cả, phương thức giao hàng, đại lý phân phối sản phẩm, … Quy mô sản xuất của người dân còn manh mún, chưa đảm bảo tốt về số lượng, chất lượng nên gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu, … Do vậy, việc tạo ra mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ hoặc tổ chức các trung tâm giới thiệu sản phẩm là một cách làm hiệu quả để ổn định sản xuất sạch cho người sản xuất.
Thêm vào đó, cần phải tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền vận động người dân tham gia vào các mô hình sản xuất sạch, đồng thời các hiệp hội liên quan phải có hướng liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, giúp người sản xuất yên tâm sản xuất rau quả sạch, tạo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại địa phương An Giang các mô hình liên kết đã được quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Về hoạt động xuất khẩu, từ đầu năm các doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu đạt 5.802 tấn bằng 76% về lượng so cùng kỳ, rau quả đông lạnh xuất khẩu trong năm 2012 đạt 4.700 tấn, kim ngạch đạt 5.671 ngàn USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so cùng kỳ năm 2011. Về thị trường xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2012 xuất trực tiếp qua 16 nước, trong đó thị trường Châu Âu (11 nước) chiếm 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, kế đến là thị trường Mỹ (2 nước) chiếm 33% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, kim ngạch còn lại là thị trường Châu Á (3 nước).
Nguồn: Sở Công Thương An Giang