Quý 1/2015, kim ngạch của ngành thủy sản dự kiến sẽ sụt giảm khoảng 23% so với cùng kỳ do việc xuất khẩu sang ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU đang có biến động về giá ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu doanh nghiệp (DN) ngành này.
Tổng thư ký VASEP cho hay, quý I/2015 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến chỉ đạt kim ngạch 1,27 tỷ USD, giảm khoảng 23% so với cùng kỳ do trong thời gian qua nhiều quốc gia đã tiến hành phá giá đồng tiền của mình, không riêng gì đồng yên hay Euro. Chính vì thế, các hàng hoá xuất khẩu vào các thị trường này đều chịu ảnh hưởng, kể cả vào thị trường Mỹ.
Theo đánh giá của VASEP, dù hiện tại có tới hơn 90% DN thủy sản lựa chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng vì đây là loại ngoại tệ có giá trị tương đối ổn định, ít rủi ro hơn so với đồng ngoại tệ khác. Tuy nhiên sự biến động đồng tiền này cũng đang ít nhiều ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường Mỹ bởi đây là thị trường chiếm tới gần 30% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu.
Lý giải cụ thể hơn, VASEP cho hay, do năm 2014 một số mặt hàng thủy sản vào Mỹ đã có giá bán cao hơn so với thị trường khác khiến cho nhiều DN đẩy mạnh xuất khẩu qua đây thì năm nay hoàn toàn ngược lại. Để xuất khẩu vào Mỹ, các DN Việt phải chịu rủi ro khi thuế CBPG tăng cao, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung láng giềng, đặc biệt là giá đồng USD tăng, giảm thất thường so với tiền tệ của các nước khác, trong khi tỷ giá USD/VND không đổi. Điều này phần nào ảnh hưởng tiêu cực gián tiếp tới lợi nhuận của các DN Việt Nam so với các nước đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia khi tỷ giá của nước họ đang được thả nổi và họ không phải chịu thêm thuế CBPG.
Đối với thị trường EU, gần đây do đồng Euro biến động mạnh theo chiều hướng giảm sâu so với đồng USD đã khiến nhiều DN xuất khẩu thủy sản được phen chao đảo. Cụ thể, từ đầu tháng 3 tới nay, sự mất giá đồng Euro so với đồng USD khiến các nhà nhập khẩu tại EU gặp bất lợi, nhiều khách hàng trả giá thấp hơn so với trước từ 10-15%. Điều này khiến cho các DN xuất khẩu của Việt Nam sang EU đứng trước bài toán khó làm sao cân bằng được lợi nhuận giữa một bên khách hàng đàm phán hạ giá bán và một bên là nguyên liệu nhập khẩu giá cao.
Giám đốc Công ty Sotico cho hay, chẳng những việc đặt hàng của đối tác đang ít đi mà giá hợp đồng cũng bị đàm phán rẻ tới 15% so với trước đó. Sotico đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu cố giữ chân khách hàng thì buộc phải hạ giá chịu lỗ, còn nếu không thỏa hiệp thì lo ngại mất thị trường.
Với thị trường Nhật Bản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó nhiều nhất là cá ngừ cũng đang phải chịu cảnh bị đối tác đòi giảm giá bán. Nguyên nhân được đối tác đưa ra là do đồng yên mất giá, ảnh hưởng mạnh với DN nhập khẩu Nhật Bản nhất là với các DN liên doanh với DN Việt Nam để bao tiêu sản phẩm, đặc biệt những DN Nhật Bản truyền thống mạnh tay ký hợp đồng dài hạn 1 năm sẽ không có lời. Ngoài lý do trên, theo phản ánh của nhiều DN, Nhật Bản là “thị trường giá cao” nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng, kích cỡ, loại sản phẩm. Phần lớn khách hàng nước này đòi hỏi sản phẩm chế biến cầu kỳ hơn so với khách hàng EU. Tuy nhiên, Nhật Bản là khách hàng lớn, truyền thống nên các DN Việt Nam đã cố gắng chia sẻ rủi ro với nhau để giữ mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Điều này cho thấy, đối với việc xuất khẩu hiện nay các DN không thể chỉ phụ thuộc vào một khách hàng, một thị trường mà phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường để tránh các rủi ro khi có biến động về giá ngoại tệ.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử