Dù con tôm đang mang lại cho Việt Nam một lượng lớn ngoại tệ, song phía sau đó vẫn tiềm ẩn những rủi ro.
Tăng trưởng mạnh
Thế chân kiềng của ngành thủy sản Việt Nam là: tôm (gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra và hải sản. Trong ba mặt hàng này, năm 2014, tôm là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,1 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2013.
Con tôm đã kéo kim ngạch của toàn ngành thủy sản đi lên. Tuy nhiên, điều đáng nói là con tôm sú đã không còn vị thế của mình khi giá trị xuất khẩu của tôm thẻ chân trắng cao gấp 2 lần so với tôm sú.
Việc tôm thẻ chiếm thế mạnh so với tôm sú không phải do thị trường ưa chuộng hơn mà do những năm qua, dịch bệnh trên tôm sú bùng phát mạnh. Vì thế, người dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, bởi chỉ cần 2 tháng là có thể thu hoạch được, trong trường hợp có dịch bệnh, người dân vẫn có thể bán được. Còn với com tôm sú, thời gian nuôi dài, chỉ thu hoạch từ tháng thứ 4 sau khi thả nuôi. Do đó, khi có dịch bệnh, người nuôi coi như trắng tay.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 11 tháng của năm 2014, có gần 49.000 ha nuôi tôm thiệt hại (chiếm 7,2% tổng số gần 676.000 ha nuôi tôm). Như mọi năm, các tỉnh ĐBSCL như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau vẫn là nơi bị thiệt hại nặng nhất.
Kỳ vọng vào FTA Việt Nam-EU
Với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Vasep kỳ vọng năm 2015, các mặt hàng thủy sản trong đó có tôm xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, nếu không làm tốt khâu nuôi trồng và chế biến, có thêm nhiều lô hàng xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo thì những lợi thế nói trên chẳng giúp gì cho doanh nghiệp, cho ngành thủy sản nước nhà.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Vasep, trong năm tới, ba thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU vẫn có nhu cầu nhập khẩu mạnh thủy sản Việt Nam, nhưng để có sự tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp chẳng có cách nào khác ngoài việc phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.
“Thủy sản Việt Nam cần tập trung cạnh tranh bằng chất lượng, nâng hàm lượng giá trị gia tăng mới mong tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới”, ông Nam nói.
Về phía mình, các doanh nghiệp biết điều này, vì nếu không nâng được chất lượng thì chẳng khác nào tự “đạp đổ nồi cơm” của mình. Song, biết là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác. Đơn giản, khác hẳn với cá tra khi khoảng 70% nguồn nguyên liệu là do các doanh nghiệp tự nuôi, còn tôm chủ yếu là do người dân tự nuôi. Trước tình trạng dịch bệnh bùng phát mạnh, để cứu lấy ao tôm của mình, người nuôi tôm luôn nghĩ ngay đến việc dùng kháng sinh, thậm chí dùng cả kháng sinh cấm.
Kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng kháng sinh
ông Ngô Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (tỉnh Cà Mau), để có thể kiểm soát chất kháng sinh, tới đây doanh nghiệp của ông và nhiều doanh nghiệp khác sẽ phải đầu tư thiết bị phân tích kháng sinh để có thể giúp kiểm soát kháng sinh ở mức tốt nhất trước khi xuất khẩu.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị về việc thực hiện các biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu triển khai ngay các biện pháp cấp bách để kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong các lô hàng xuất khẩu nhằm giữ vững, mở rộng thị trường, nâng cao uy tín của thủy sản Việt Nam, tránh việc các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết, Chỉ thị được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu có văn bản gửi Bộ thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh và đề nghị phía Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, thông báo lại cho phía họ trước ngày 9/1/2015.
Nguồn: Chính phủ